Hiện nay, diệt chuột có nhiều phương pháp, như: Hóa học, vật lý, thủ công. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Tùy vào điều kiện, đặc điểm, cách làm… của mỗi địa phương mà các phương pháp này phát huy được hiệu quả ít hay nhiều.
Phương án tối ưu
Xã An Tràng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) là địa phương tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp trên các loại cây rau màu và cây lúa là chính. Vì vậy, nếu nạn chuột phá hoại mùa màng xảy ra sẽ làm người dân thiệt hại rất lớn về kinh tế, nhất là vào vụ Xuân, khi thời tiết ẩm ướt lại ít mưa là điều kiện lý tưởng cho chuột sinh sản và đào hang ẩn nấp.
Để bảo vệ sản xuất, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ xã An Tràng đã phát động thành viên, nhân dân cùng nhau diệt chuột, tránh tình trạng mất trắng mùa màng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
HTX đã xây dựng tổ đánh bắt chuột bằng phương pháp thủ công. Tổ chia làm 4 nhóm nhỏ do trưởng thôn phụ trách, mỗi nhóm 7 - 15 người. Những người có sức khỏe, tích cực, giàu kinh nghiệm diệt chuột trong thôn làm tổ viên và tất cả đều tham gia tự nguyện.
Theo Ban Giám đốc HTX, thực tế đồng ruộng xã An Tràng lên đến hàng trăm ha, diệt chuột bằng phương pháp sinh học và hóa học đều không mang lại hiệu quả như diệt chuột thủ công vì rất tốn kém, không thể thực hiện lâu dài.
“HTX đã từng phát thuốc diệt chuột hóa học cho nông dân. Tuy nhiên, việc diệt chuột bằng thuốc hóa học 1 - 2 lần/năm chỉ có hiệu quả ở một giai đoạn nhất định, sau đó chuột tiếp tục sinh sản và gây hại. Chuột chết phân tán, HTX và người dân không quản lý được nên ảnh hưởng đến môi trường”, ông Nguyễn Hữu Lương - Giám đốc HTX xã An Tràng, cho biết.
Biện pháp dùng nilon quây quanh ruộng để ngăn chặn chuột vào phá hoại cũng được áp dụng, nhưng hiệu quả không cao vì không diệt dứt điểm được chuột, chi phí lớn (85.000 - 90.000 đồng/sào), trong khi khả năng tái sử dụng nilon cho vụ sau rất thấp. Đặc biệt, diệt chuột bằng điện đã bị cấm vì vi phạm pháp luật, nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì những tồn tại trên, phương pháp đánh bắt chuột thủ công như soi vụt và đánh cạm đã được HTX lựa chọn và thực hiện liên tục trong nhiều năm.
Để diệt chuột hiệu quả, các thành viên tổ diệt chuột phải nắm rất rõ đặc điểm sinh lý của chuột, như thói quen ăn, đường đi lại, hang ổ… để đặt cạm đúng vị trí. Cạm cũng được ngụy trang bằng bùn, bên trên rắc vỏ trấu trộn gạo để nhử chuột.
Sau khi thu hoạch lúa mùa, ruộng khô nên chuột thường tập trung đến những nơi có nước để đào hang sống tạm, lúc này phương pháp đào hang, sau đó hun khói rồi bắt trực tiếp rất hiệu quả.
Vụ Xuân, khi đổ ải cũng là lúc nước to, tổ diệt chuột áp dụng biện pháp đánh mồi và sinh học kết hợp đánh thủ công. Thành viên của tổ diệt chuột thường đồng loạt ra đồng đặt cạm vào buổi xế chiều và đi lấy cạm vào lúc sáng sớm, lượng chuột đánh được sẽ được tổng hợp theo từng ngày và mang đi tiêu hủy.
Tổ diệt chuột thủ công của HTX An Tràng |
Bảo đảm sản xuất
Từ khi có tổ diệt chuột của HTX An Tràng, tình trạng chuột phá hoại mùa màng giảm hẳn. Đặc biệt, diệt chuột thủ công tuy mất nhiều công sức nhưng chuột được bắt, gom tập trung, không di chuyển đến nơi khác khi đang dính thuốc như phương pháp hóa học nên hạn chế được ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến người và vật khác.
Chỉ tính từ đầu năm 2019, HTX đã tổ chức 4 đợt diệt chuột thủ công trên quy mô toàn xã, thu mua được 13 nghìn con chuột. Có ngày cao điểm, tổ diệt chuột bắt được 1.000 con, giúp bảo vệ mùa màng.
Anh Vũ văn Đệ - người dân xã An Tràng, cho biết gia đình anh có gần 1 mẫu ruộng. Mấy năm nay, gia đình chỉ lo việc cấy cày. Chuột đã có tổ diệt chuột lo nên gia đình anh không vất vả như trước, năng suất lúa cũng cao hơn.
Để duy trì hoạt động, HTX thu 1,5 kg thóc/sào/năm và đi kèm với cam kết, nếu chuột phá hoại trên 10 m2 lúa thì tổ diệt chuột sẽ bỏ kinh phí đền bù cho người dân. HTX thưởng mỗi thành viên, người dân 5.000 đồng/ đầu chuột để thu hút mọi người tham gia bắt chuột thủ công.
Tổ diệt chuột của HTX An Tràng đã giúp cánh đồng không phải bao phủ bằng nilon; lúa, hoa màu được bảo vệ đến cuối vụ và đặc biệt là bảo đảm được môi trường sinh thái.
Như Yến