Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Khún đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, internet và đặc biệt là từ các hộ sản xuất đã có được thành công từ trước, sau đó mạnh dạn cải tạo hơn 1 ha đất vườn quanh nhà để trồng 1.000 trụ thanh Long ruột đỏ.
Chuyển biến tích cực
Đến nay, qua gần 4 năm trồng, diện tích thanh long của ông Khún hợp đất, phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho thu nhập ổn định. Vào mùa, thương lái đến tận vườn thu mua giá từ 10 - 12 nghìn đồng/kg, so với trồng ngô hay rau màu giá trị kinh tế gấp nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích.
Theo ông Khún, trước đây chưa biết đến cây thanh long thì trên diện tích này gia đình ông chủ yếu trồng ngô hay rau màu nhưng do ít mưa, đất khô nên hiệu quả kinh tế rất bấp bênh.
“Sau khi thấy một số hộ trồng thanh long và cho thu tốt, tôi đã đi học hỏi và mua giống về trồng thử, may cây hợp đất lại chịu hạn tốt, cũng dễ chăm sóc và đậu quả. Hiện, vườn cây đã cho quả ổn định hàng năm, thương lái vào tận vườn mua, gia đình tôi phấn khởi lắm”, ông Khún tâm sự.
Những thay đổi trong tư duy sản xuất giúp nhiều nông dân ở Vị Xuyên thoát nghèo, làm giàu (Ảnh: Biên Anh). |
Có một điều đáng mừng là những nông dân nhiệt huyết, tài giỏi, chủ động tự đi tìm lời giải cho bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để làm giàu ngày càng nhiều ở xã Phong Quang, từ đó tạo động lực “thay da đổi thịt” cho ngành nông nghiệp địa phương.
Minh chứng, trên địa bàn xã Phong Quang hiện có nhiều mô hình kinh tế đang phát huy hiệu quả như mô hình trồng các loại dưa trên 50 ha, thanh Long ruột đỏ 19,6 ha, na đạt 23,8 ha, hồng không hạt 12,3 ha, dứa hiện có 7 ha hay mô hình liên kết trồng mía đường xuất khẩu, trồng rau an toàn trong nhà lưới ứng dụng công nghệ 4.0, nuôi lợn thịt tại thôn Lùng Càng, quy mô từ 50-500 con, mô hình nuôi bò thương phẩm,…
Từ những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân xã Phong Quang vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao bền vững của địa phương.
Nhận rộng chuỗi giá trị
Cùng với Phong Quang, những chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp đang lan tỏa trên khắp các địa phương ở huyện Vị Xuyên. Trên địa bàn huyện đang có những mô hình thế mạnh như cam, chè, thảo quả, rau quả an toàn, chăn nuôi trâu, bò hàng hóa,... bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung với thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha.
Cụ thể, đến nay, diện tích cây chè Shan tuyết VietGAP, hữu cơ trên địa bàn huyện đạt 2.743 ha, năng suất đạt 30,5 tạ/ha, sản lượng 8.366 tấn, doanh thu đạt trên 167,3 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất chè tại các địa phương đang có 10 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, sơ chế, chế biến chè theo chuỗi giá trị.
Vị Xuyên đang hướng đến hình thành các chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho nông dân (Ảnh: Biên Anh). |
Đối với chuỗi giá trị thảo quả trên địa bàn huyện đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, diện tích cho thu hoạch trên 2.700 ha, năng suất đạt 7 tạ/ha, sản lượng gần 2 nghìn tấn, doanh thu trên 34,7 tỷ đồng. Hiện tại, HTX Khởi nghiệp Hữu Nghị đang tham gia liên kết sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thảo quả cho người dân.
Hay như chuỗi giá trị cây gừng được thực hiện từ năm 2022 với diện tích 3,9 ha, năng suất đạt 200 tạ/ha, sản lượng 78 tấn, giá trị sản xuất đạt 780 triệu đồng, HTX Dược liệu Sơn Ý đang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gừng cho người dân.
Đặc biệt, một trong những phong trào trồng rừng gắn với phát triển dược liệu đang được người dân triển khai mạnh mẽ là phong trào trồng quế. Đối với chuỗi giá trị cây quế, huyện đã ban hành đề án, giao chỉ tiêu và chỉ đạo quyết liệt các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện, liên kết, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu.
Đến nay, diện tích quế của huyện đạt trên 2.620 ha, một số diện tích quế trồng trước năm 2020 hiện đã cho thu hoạch với giá bán khoảng 56 triệu đồng/tấn vỏ quế khô, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Phát huy sản phẩm thế mạnh
Có thể thấy, thành quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đang giúp huyện Vị Xuyên bước đầu tìm ra đáp án cho câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” để làm giàu cho người dân.
Trong nửa thập kỷ nỗ lực, ngành nông nghiệp huyện Vị Xuyên đã phát triển thành công 26 sản phẩm thế mạnh, được chứng nhận OCOP, có tiềm năng nhân rộng để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao giá trị sản xuất cho người dân. 100% các sản phẩm OCOP của huyện đang được thực hiện theo hướng hàng hóa, với đầu tàu là các HTX, doanh nghiệp, qua đó gia tăng sức cạnh tranh.
Hiện, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 18 nghìn ha; tổng sản lượng lương thực đạt 58.480 tấn; năng suất lúa bình quân đạt 58,39 tạ/ha; năng suất ngô bình quân đạt 38,95 tạ/ha. Tổng đàn trâu, bò đạt trên 26.300 con, đàn lợn 117.930 con, đàn gia cầm 816.245 con; tổng diện tích rừng trồng đạt trên 1 nghìn ha.
Đáng chú ý, toàn huyện Vị Xuyên hiện có 72 HTX nông nghiệp, 71 tổ hợp tác, 110 nhóm sở thích, 1 làng nghề hoạt động hiệu quả. Đây là điểm tựa vững vàng để huyện đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Năm 2023, với mục tiêu nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha đất canh tác đạt 72 triệu đồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong ngành Nông nghiệp chiếm 43%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 70,7%... Vị Xuyên đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức sản xuất “5 cùng”; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường sản xuất vụ Đông để nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị sản phẩm/diện tích canh tác; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thu hút đầu tư; liên kết với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến lâm sản để phát triển rừng bền vững...
Mỹ Chí