Kể từ năm 2021 đến nay, gia đình chị Phan Thị Vui, xã Trần Phú (Na Rì, Bắc Kạn) là một trong số hơn 100 hộ dân được HTX Bình Minh lựa chọn để thực hiện dự án liên kết trồng khoai tây. Tham gia dự án, chị Vui và các thành viên được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, nên hiệu quả tăng mạnh.
Hiệu quả liên kết
Chị Vui chia sẻ, trong 3 năm qua, với sự đồng hành của HTX và địa phương, mô hình trồng khoai tây cho giá trị cao, gấp 3 - 5 lần trồng lúa đơn thuần. Với giá thu mua bình quân 5 - 8 nghìn đồng/kg, các hộ sản xuất có thể thu về 5 - 10 triệu đồng/1.000 m2.
Cùng với mô hình liên kết trồng khoai tây ở xã Trần Phú, huyện Na Rì đang thực hiện 3 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khác, gồm trồng dược liệu tại xã Cường Lợi, trồng gừng ở xã Đổng Xá và trồng dong riềng ở xã Côn Minh, tổng diện tích thực hiện đạt hàng trăm héc ta.
Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giúp nông dân nâng cao thu nhập. |
Đáng chú ý, các mô hình liên kết theo chuỗi được phối hợp chặt chẽ với các HTX, doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân canh tác và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, cây dược liệu được HTX Văn Lang HT tiêu thụ, dong riềng cung cấp cho HTX Tài Hoan, cây gừng do công ty TNHH Việt Nam MISAKI bao tiêu.
Việc liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm đã khiến người dân tin tưởng và hưởng ứng. Năm 2023, huyện tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Nhờ quá trình chuyển đổi theo hướng liên kết chuỗi, ngành nông nghiệp Na Rì có bước tiến vượt bậc. Trước đây, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Na Rì như miến, cam quýt, dược liệu, bánh… đều được đóng gói truyền thống, đến nay đã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc nên được khách hàng tin dùng hơn, lượng tiêu thụ vì thế cũng tăng so với trước.
Điển hình như sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia từ năm 2021, một niềm tự hào của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Để vươn ra "biển lớn", HTX Tài Hoan đã nỗ lực cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng.
Ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, sản phẩm miến dong Tài Hoan còn được đăng bán trên một số trang thương mại điện tử uy tín. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, qua những cuộc xúc tiến thương mại, thương hiệu miến dong Tài Hoan đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra nước ngoài.
Hoạt động hiệu quả của các HTX và tổ hợp tác được đánh giá là góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Năm 2023, qua rà soát sơ bộ, số hộ nghèo của huyện Na Rì còn trên 3.300 hộ, chiếm tỷ lệ 32,81%; giảm so với tháng 12/2022 là 3,63% . Số hộ cận nghèo là 890 hộ, tỷ lệ 8,71%, tăng 0,9% so với thời điểm tháng 12/2022. Qua số liệu sơ bộ, hiện tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện Na Rì đã đạt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh và của huyện giao.
Ấn tượng từ HTX
Huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) cũng là địa phương đang có chuyển biến mạnh mẽ trong việc hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tao điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho nông dân.
Theo thống kê, toàn huyện Bắc Sơn đang có 5 HTX thủy sản hoạt động theo chuỗi giá trị. Nhờ chủ động liên kết, các HTX đã đủ nội lực để hình thành chuỗi giá trị sản xuất cá nước ngọt có giá trị cao, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, tạo dựng thương hiệu, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng của các HTX. |
Đơn cử như HTX Lê Hồng Phong, Nhận thấy những hạn chế khi hoạt động riêng lẻ, tháng 8/2021, Ban Quản trị HTX Thủy sản Lê Hồng Phong đã thực hiện hợp đồng liên kết với các HTX thuỷ sản trên địa bàn huyện để cùng phát triển.
Sau hơn 12 năm phát triển, từ một HTX có quy mô nhỏ, thu không đủ bù chi, HTX đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, HTX Lê Hồng Phong là một trong 10 HTX được UBND tỉnh Lạng Sơn chọn làm thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc. Được sự hỗ trợ, HTX đã bổ sung thành viên là cử nhân chuyên ngành chăn nuôi, thú y, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, làm giàu cho thành viên.
Cũng giống như ở Bắc Sơn, các HTX cũng đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị ở huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đến nay, huyện biên giới này có 13 HTX với tổng số thành viên là 107 người. Trong đó, 5 HTX mới thành lập (1 HTX dịch vụ Mắc ca Sín Thầu, 1 HTX gai xanh Mường Nhé, 1 HTX nông nghiệp, 2 HTX dịch vụ trồng và chế biến quế).
Điển hình như HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Hà Ân (bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè) được thành lập năm 2021. Những năm qua, HTX tập trung mở rộng sản xuất các sản phẩm chủ lực, thu nhập bình quân của thành viên không ngừng tăng, trung bình trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Tìm động lực bứt phá
Giám đốc HTX Hà Ân Nguyễn Tiến Nghĩa cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên, HTX đã liên kết với 3 xã: Chà Nưa, Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) để trồng bí xanh xuất bán đến thị trường Hà Nội.
Hiện nay, với diện tích 1,2ha bí (trồng 2 vụ/năm), HTX thu hoạch khoảng 150 tấn/năm. Giá bí xanh trung bình từ 4 - 5 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá cao từ 18 - 20 nghìn đồng/kg đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX.
Đặc biệt, mới đây, 3 sản phẩm trà (Cực tây hoa hồng trà, Cực tây tô mộc trà, Cực tây bí xanh trà) của HTX đã được huyện Mường Nhé công nhận là sản phẩm OCOP 2 sao, sản phẩm Cực tây Hà Nhì trà được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Có thể thấy, liên kết chính là chìa khóa thành công của các HTX, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương, tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của các đơn vị vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Nổi bật là tình trạng các HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất, xây dựng nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm... Từ đó dẫn đến hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoàn thiện chuỗi giá trị, khó thu hút liên kết với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn về tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là điểm nghẽn trong xây dựng chuỗi giá trị của các HTX.
Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng để HTX phát triển, sự quan tâm của các cấp chính quyền là điều quan trọng. Hiện, các chính sách về phát triển HTX đã có nhưng khi triển khai đến các cấp ở địa phương lại bị chậm dần. Điều này làm bản thân HTX khó phát triển, khó mở rộng sản xuất trong nền kinh tế thị trường.
Vì vậy, để khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến tiếp cận thị trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX phát triển...
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông sản an toàn là một kênh giúp cho việc tiêu thụ nông sản được rộng mở hơn.
Lệ Chi