Trong khoảng 3 năm trở lại đây, mô hình thâm canh mía trên địa bàn huyện Thọ Xuân đang được các HTX, các hộ sản xuất có diện tích lớn chú trọng phát triển. Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn, chính quyền địa phương đã hướng dẫn các hộ sản xuất thuê đất, xây dựng các mô hình mẫu.
Chuẩn hóa quy trình sản xuất
Tại các mô hình mẫu, quy trình canh tác mía được chuẩn hóa, các HTX, tổ hợp tác chủ động phối hợp với cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp liên kết. Điển hình như công ty CP Mía đường Lam Sơn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuẩn hữu cơ, thân thiện môi trường.
Canh tác theo chuẩn hữu cơ giúp mía có chất lượng, năng suất cao hơn (Ảnh TL). |
Cụ thể, các hộ được hướng dẫn ghi nhật ký nông vụ, thường xuyên đi thăm đồng, phát hiện bệnh sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Các vùng mía được chăm sóc, bón phân kịp thời, qua đó giúp chất lượng mía nguyên liệu, trữ lượng đường tăng lên rõ rệt.
Ông Đào Văn Đường, thành viên HTX Thọ Lâm, cho biết gia đình ông đang có 11 ha mía nguyên liệu, dù niên vụ 2020 – 2021 giá thu mua của doanh nghiệp có giảm, tuy nhiên với năng suất mía đạt 90 - 95 tấn/ha, nên vẫn có lợi nhuận khá từ cây mía, với trung bình 25 – 27 triệu đồng/ha.
Theo ông Đường, để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh khí hậu diễn biến thất thường, thị trường tiêu thụ gặp khó, gia đình ông đã tuân thủ tuyệt đối quy trình canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường, do HTX và doanh nghiệp đưa ra, từ đó nâng cao chất lượng mía.
Cụ thể, trong quá trình cánh tác, gia đình ông Đường loại bỏ hóa chất độc hại, sử dụng các loại phân bón trong danh mục cho phép, ưu tiên các loại phân chuồng hoai mục đã qua xử lý vi sinh, theo nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng loại, đúng phương pháp, đúng liều lượng và đúng thời điểm.
“Sản xuất theo chuẩn hữu cơ giúp trữ lượng đường trong mía được nâng cao, doanh nghiệp thu mua rất thích, mặt khác góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó gia tăng sức khỏe người sản xuất”, ông Đường khẳng định.
Ổn định diện tích, tăng lợi nhuận
Những năm qua, để nâng cao hiệu quả trồng mía, huyện Thọ Xuân đã có chính sách khuyến khích 27 HTX tích tụ đất đai, vận động nhân dân đổi điền, dồn thửa. Có 26 HTX trên địa bàn huyện đã tạo quỹ đất tập trung thâm canh mía.
Mía chất lượng cao sẽ đảm bảo lợi nhuận cho người trồng (Ảnh TL). |
Sự hỗ trợ từ địa phương cùng sự đồng hành của các HTX là chìa khóa giúp năng suất mía bình quân trên địa bàn huyện tăng lên, đạt 65 tấn/ha. Riêng cây mía đứng chân trên đất bãi cho năng suất 70-80 tấn/ha, có thời điểm đạt hơn 100 tấn/ha.
Trong thời gian tới, để ổn định diện tích vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, ngành nông nghiệp huyện Thọ Xuân dự kiến tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để hình thành cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho cơ giới hóa đồng bộ và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Huyện cũng tiếp tục chuyển đất trồng cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm dần diện tích mía trên đồi cao; rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư chiều sâu, sản xuất sản phẩm phụ sau đường, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế hợp tác, với đầu tàu là các HTX, tổ hợp tác ở vùng mía.
Nhật Minh