Kể từ năm 2015 đến nay, toàn huyện Vĩnh Hưng đã có trên 100 ha đất sản xuất kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ, các loại cây ăn quả như cam, bưởi, xoài, ổi... Nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, những giống cây mới đều mang lại lợi nhuận cao hơn gấp 2 - 3 lần cây trồng cũ.
Nâng cao giá trị
Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng đang mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó các HTX đang nổi lên như một trong những lá cờ đầu, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại giá trị kép về kinh tế và môi trường.
Canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho giá trị cao hơn (Ảnh TL). |
Điển hình, HTX nông nghiệp Vĩnh Thuận (ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận), với mô hình canh tác lúa hữu cơ theo hướng hàng hóa. Sau hơn 4 năm hoạt động, HTX đang thu hút trên 70 thành viên và nông dân liên kết, với tổng diện tích sản xuất lên tới hàng trăm ha.
HTX đang là đại diện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Sau đó, HTX sấy, xay xát gạo và đóng gói để bán ra thị trường. Nhờ đó, quyền lợi nông dân được bảo đảm và ngày càng nhiều người muốn tham gia HTX.
Tuy nhiên, để được HTX bao tiêu, các thành viên và nông dân liên kết phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP, để tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Đơn cử, khi cải tạo đất, quản lý cỏ dại và phòng trừ sâu bệnh, các thành viên đều không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay diệt cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ.
Trong quá trình canh tác, nông dân thả vịt và nuôi cá trên ruộng lúa để diệt sâu, rầy... Bên cạnh đó, các phương pháp phòng trừ sâu bệnh truyền thống như dùng thảo dược (ớt, tỏi, nấm xanh, nấm trắng, vôi bột…) nhằm xua đuổi côn trùng, trồng hoa sinh thái thu hút các loài thiên địch cũng được áp dụng hiệu quả.
Bên cạnh các HTX, các hộ sản xuất trên địa bàn huyện cũng đang đạt được những thành công lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phi, xã Khánh Hưng cho biết năm 2015, gia đình ông quy hoạch lại vùng sản xuất gần 4 ha, lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước, để tiến hành trồng cây ăn quả.
Nhờ được địa phương tập huấn kỹ thuật, đến nay, vườn cây của gia đình ông Phi đang phát triển ổn định. Hiện tại, với khoảng 2.500 gốc cam, quýt, bưởi, mỗi đợt thu hoạch khoảng 10 tấn (3 tháng thu hoạch/lần), giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, gia đình ông thu về trên 200 triệu đồng/năm.
Tiếp tục nhân rộng
Theo đại diện UBND huyện Vĩnh Hưng, những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được người dân mạnh dạn chuyển đổi, đưa vào trong sản xuất. Nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa sẽ tiếp tục được huyện Vĩnh Hưng chú trọng (Ảnh TL). |
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giúp nâng cao chất lượng nông sản và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.
Thời gian tới, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt là sản xuất ứng dụng công nghệ cao thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, huyện sẽ phối hợp với các xã quy hoạch lại những diện tích đã chuyển đổi và có nhu cầu chuyển đổi để xây dựng các phương án hỗ trợ, vận động thành lập tổ hợp tác, HTX.
Đồng thời, huyện tiếp tục tăng cường tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ cho người dân và thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm chất lượng đầu ra cho nông sản.
Nhật Minh