Giang Sơn Đông thuộc vùng miền núi khó khăn của huyện Đô Lương, quỹ đất nông nghiệp chiếm hơn 450 ha/1.800 ha đất tự nhiên, chủ yếu là đất vườn đồi. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật…
Thu nhập trăm triệu
Gia đình ông Đào Danh Bảy là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế vườn trên địa bàn xã Giang Sơn Đông. Những năm trước, ông đã trồng nhiều loại cây, nhưng năng suất, hiệu quả không cao, chỉ đến khi chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, thu nhập của gia đình mới bắt đầu được cải thiện. Khoảng 3 năm trở lại đây, 800 cây bưởi cho lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Bưởi Diễn đang cho thu nhập cao ở Giang Sơn Đông (Ảnh TL). |
Theo ông Bảy, để bưởi Diễn phát triển và sinh trưởng tốt, ông chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, ông áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gồm đúng loại, đúng liều, đúng thời gian và đúng cách.
Tương tự, gia đình anh Thái Văn Dương, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xóm Thịnh Đồng, cũng đang có thu nhập bình quân 120 - 150 triệu đồng/năm từ vườn bưởi Diễn quy mô gần 350 gốc.
Anh Dương cho hay, năm 2015, được sự hỗ trợ của Tổ hợp tác, gia đình anh chuyển đổi gần 1 ha trồng lúa sang trồng cây bưởi Diễn theo quy trình VietGAP.
Bưởi Diễn là loại dễ trồng, chỉ cần xử lý hố trồng bằng vôi, bón thêm phân chuồng, nước tưới ổn định là có thu hoạch. Ưu điểm của bưởi Diễn là tuổi thọ cao từ 20 - 30 năm mới phải trồng khác; cây càng nhiều tuổi, rễ cây bám đất, ăn sâu vào đất chất lượng quả càng cao.
“Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu hút đối tác thu mua, đồng thời góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương”, anh Dương phấn khởi nói.
Phát triển bền vững
Theo đại diện UBND xã Giang Sơn Đông, những năm qua, để phát triển mô hình trồng bưởi Diễn theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, xã đã tích cực vận động, hỗ trợ người nông dân xóa bỏ vườn tạp, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn khoa học - kỹ thuật ngay tại vườn.
Mô hình trồng bưởi sẽ tiếp tục được xã đẩy mạnh hỗ trợ, không chỉ bưởi Diễn mà cả các loại bưởi giá trị cao khác (Ảnh TL). |
Năm 2020, giá bán bưởi Diễn tại vườn trên địa bàn xã dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/quả. Nhờ thị trường ổn định, với 1 ha trồng bưởi Diễn, các hộ sản xuất có thể thu về trên dưới 250 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.
Theo người trồng bưởi ở Giang Sơn Đông, thu nhập từ trồng bưởi những năm qua luôn đạt mức cao so với nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn. Điển hình như trồng cam cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm, chè khoảng 70 triệu đồng/ha, mía khoảng 50 triệu đồng/ha...
Với những thành công đang có, trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực chuyển giao các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm cải tạo, phục hồi, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm.
Xã sẽ nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong việc hoàn thiện sản xuất theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, đặc biệt là đẩy mạnh khâu liên kết trong cung ứng vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng…, giúp trình độ kỹ thuật thâm canh bưởi của người dân được nâng lên.
Cùng với đó, xã sẽ nỗ lực xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn. Mục tiêu của xã là mở rộng diện tích bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời khuyến khích người dân chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Hưng Nguyên