Theo UBND huyện Vạn Ninh, những năm qua, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn được triển khai theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hành sản xuất và hỗ trợ ngành nghề nông thôn.
Sản xuất theo hướng "xanh"
Tỏi đang là một trong những sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vạn Ninh, được các ban, ngành chú trọng hỗ trợ.
Sản xuất tỏi VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái (Ảnh: TL) |
Ông Cao Như Hoàng, Giám đốc HTX sản xuất tỏi Vạn Hưng, cho biết sau thời gian dài áp dụng, việc sản xuất tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP của các thành viên HTX đã đi vào nền nếp.
Các hộ thành viên, nông dân liên kết với HTX đã thay đổi hoàn toàn về tư duy sản xuất khi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường.
Đặc biệt, các hộ sản xuất đều được hướng dẫn ghi chép hồ sơ, nhật ký sản xuất đầy đủ và thực hiện cách ly 15 ngày sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch.
Sản xuất sạch theo chuẩn VietGAP giúp sản phẩm tỏi của HTX Vạn Hưng có chất lượng vượt trội, an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu cao người tiêu dùng.
Cùng với tỏi, cây dừa xiêm tại Vạn Ninh cũng đang phát huy hiệu quả. Việc người dân áp dụng phương thức sản xuất sạch giúp các mô hình dừa xiêm mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, môi trường sinh thái.
Cách đây hơn 5 năm, gia đình ông Lê Văn Tình (thôn Xuân Cam, xã Xuân Sơn) bắt đầu chuyển đổi diện tích đất trồng mía sang trồng thí điểm 350 cây dừa xiêm.
Đến nay, vườn dừa của gia đình ông Tình có khoảng 700 cây, trong đó hơn 200 cây đang cho trái, trung bình mỗi tháng đạt doanh thu khoảng 15 triệu đồng.
“Bên cạnh hiệu quả kinh tế, trồng dừa xiêm theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp chúng tôi giảm thiểu lượng phân bón hóa học độc hại, môi trường sống được cải thiện, sức khỏe được đảm bảo”, ông Tình phấn khởi nói.
Thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Đại diện UBND huyện Vạn Ninh cho biết, để có được những thành công hiện tại, những năm qua, huyện đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động; chủ động xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi cây trồng để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, rồi nhân rộng sản xuất.
Các mô hình nông nghiệp sạch sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển (Ảnh: TL) |
Từ năm 2017 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi cây trồng với tổng diện tích hơn 242 ha, có 840 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện gần 8 tỷ đồng.
Trong đó, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 136,9ha và chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả là 105,2ha.
Công tác chuyển đổi cây trồng đã đạt được hiệu quả bước đầu, giúp giảm tỷ lệ đất bị bỏ hoang do thiếu nước sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đáng chú ý, ngoài hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, huyện Vạn Ninh còn hỗ trợ 165 triệu đồng cho HTX sản xuất tỏi Vạn Hưng xây dựng nhà sơ chế tỏi và lấy mẫu, phân tích mẫu sản phẩm tỏi hàng năm để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên nền tảng đang có, trong thời gian tới, huyện Vạn Ninh đặt mục tiêu tiếp tục tập trung triển khai công tác chuyển đổi cây trồng, hướng đến đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp.
Nhật Minh