Kể từ năm 2013 đến nay, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX nông nghiệp tại Thuận Thành từng bước chuyên nghiệp hóa sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ môi trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ấn tượng từ các HTX
Cá đang là một trong những sản phẩm chủ lực của xã Mão Điền. Năm 2017, HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh ra đời, đưa mô hình nuôi cá trên địa bàn lên một tầm cao mới, chuỗi giá trị dần được hình thành, hiệu quả gia tăng.
Thủy sản VietGAP đang là một trong những thế mạnh nông nghiệp của huyện Thuận Thành (Ảnh: TL) |
Anh Nguyễn Xuân Đang - Giám đốc HTX cho biết: “Trường Mạnh là một trong những đơn vị đi đầu toàn tỉnh trong nuôi cá lồng VietGAP. Để phát triển bền vững, HTX chủ động hướng dẫn các hộ thành viên áp dụng nghiêm ngặt và quy trình sản xuất sạch, bảo vệ hệ sinh thái”.
Đơn cử, trong quá trình sử dụng thức ăn chăn nuôi, HTX tiến hành tuyển chọn các loại thức ăn đạt chuẩn, không chứa các chất hóa học gây hại môi trường. Khối lượng thức ăn từng bữa cũng được HTX tính toán kỹ lưỡng để tránh tồn dư, giúp thành viên tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường nước.
Trong và sau mỗi vụ nuôi, HTX thường xuyên xử lý nước, vệ sinh lồng cá bằng các hợp chất vi sinh thân thiện môi trường, giúp các tăng trưởng tốt, giảm dịch bệnh.
Các loại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, bao bì, chai lọ… phát sinh trong quá trình sản xuất luôn được HTX tập trung đúng nơi quy định, sau đó vận chuyển đến khu xử lý rác để tránh gây ô nhiễm, loại trừ các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh phát sinh.
Hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, HTX sản xuất nông nghiệp Quang Tiến đang có hệ thống trang trại quy mô tập trung trên diện tích hơn 240.000m2, được chia thành 3 khu chính: Khu sản xuất lợn siêu nạc theo tiêu chuẩn VietGAP, khu thả cá thương phẩm và khu trồng cây ăn quả, cây dược liệu.
Bên cạnh trang bị cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ chăn nuôi, HTX luôn chú trọng bảo vệ môi trường. Điển hình, trong xử lý chất thải, HTX hỗ trợ thành viên xây dựng hầm biogas để vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu chất đốt.
Nhờ sản xuất sạch, HTX đang gặt hái nhiều thành công, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chính sách phát triển toàn diện
Những đóng góp của khu vực HTX giúp ngành nông nghiệp huyện Thuận Thành có những chuyển biến rõ nét theo hướng xanh và bền vững.
Nông nghiệp Thuận Thành được định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững (Ảnh TL) |
Ðến nay, huyện Thuận Thành đã và đang hình thành và phát triển nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Từ đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở huyện đã có 504 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 3.460 tấn.
Nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa có giá trị kinh tế cao, bình quân từ 45 - 60 vùng/vụ với diện tích hơn 3 ha/vùng. Năng suất bình quân đạt hơn 6 tấn/ha/năm.
Mặc dù diện tích đất nông nghiệp của huyện giảm do chuyển mục đích sử dụng sang phát triển đô thị, huyện vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới huyện Thuận Thành hiện nay vẫn tiếp tục được chú trọng. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tập trung giải quyết đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn huyện.
Theo ước tính, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của 17 xã đạt hơn 48 triệu đồng/người, tăng hơn 32 triệu đồng/người so năm 2010.
Nhật Minh