Măng bói đang cho hiệu quả khá cao ở Văn Bàn |
Lan tỏa ảnh hưởng
Cây măng bói bắt đầu được trồng trên địa bàn huyện Văn Bàn từ năm 2010. Ngay khi được triển khai, cây măng bói đã cho thấy sự thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước trên địa bàn huyện, với chất lượng sản phẩm rất cao, củ to, thơm, ngọt.
Ông Lê Đức Bình (xã Dương Quỳ ) là một trong những hộ đầu tiên đưa mô hình trồng măng bói về địa phương và trồng theo hướng sản xuất đại trà, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, thay vì chỉ trồng để tiêu thụ trong gia đình như trước.
Ông Bình chia sẻ Văn Bàn có trên 90% diện tích là đồi núi, 50% là rừng, khí hậu mát mẻ, vì vậy rất thuận lợi để trồng măng bói. Sau thời gian học hỏi kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất an toàn, ông chính thức triển khai mô hình với vài chục khóm măng.
Theo từng năm, mô hình măng bói của ông Bình tăng lên, sản lượng từ vài chục kg giờ đã lên hàng tấn mỗi năm. Với giá bán ổn định ở mức 15.000 – 20.000 đồng/kg hiện tại, mỗi vụ măng bói, gia đình ông Bình thu về 20 – 25 triệu đồng, cao gấp 2 – 3 lần so với các loại cây trồng truyền thống như ngô, sắn...
Thành công của các hộ trồng măng tại Dương Quỳ nhanh chóng tạo hiệu ứng mạnh mẽ và bắt đầu lan tỏa ra khắp các địa phương của huyện Văn Bàn, trong đó, xã Khánh Yên Thượng là một trong những địa phương điển hình.
Mô hình trồng măng bói an toàn của gia đình ông Phan Văn Chế đang là điểm sáng lớn nhất trong phong trào phát triển cây măng bói ở Khánh Yên Thượng.
Hiện tại, ông Chế đang sở hữu hơn 22 ha trồng măng, tổng số lượng xấp xỉ 4.200 khóm, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, toàn bộ diện tích của gia đình ông được trồng theo phương pháp an toàn, với các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm rất cao.
“Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng quy mô, tôi bắt đầu hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn. Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, thu hoạch măng, mọi thành viên gia đình, người lao động đều nắm vững quy định về ATLĐ, được trang bị dụng cụ bảo hộ, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe”, ông Chế nhấn mạnh.
Sản phẩm măng bói đang rất được ưa chuộng |
Hình thành thế mạnh
Nhờ giá trị sản xuất liên tục gia tăng, các điều kiện về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ được đảm bảo, mô hình trồng măng bói từ trồng tự phát, khai thác tự nhiên, đang dần trở thành mô hình thế mạnh tại nhiều địa phương của huyện Văn Bàn.
Ông Nguyễn Hữu Thiện – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Bàn, đánh giá: “Mô hình trồng măng bói đang có điều kiện thuận lợi để phát triển và có tiềm năng rất lớn. Những năm qua, nhờ chú trọng sản xuất an toàn, mô hình đã cho thấy những lợi ích vượt trội về kinh tế và ATLĐ”.
Sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ cũng sẽ là hướng đi tất yếu được ngành nông nghiệp huyện Văn Bàn chú trọng đầu tư nhằm mở ra con đường phát triển bền vững cho các hộ dân tại địa phương, đồng thời hình thành một dòng sản phẩm thế mạnh đặc trưng của huyện.
Bên cạnh phát triển sản xuất an toàn, hiện đại, Văn Bàn cũng đang thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ, mở rộng thị trường, nâng cao giá bán cho người dân.
Phượng Vỹ