Cao su đang thay đổi cuộc sống của người dân xã Căn Co |
Đổi thay cuộc sống
Góp hơn 8 ha đất rừng để trồng cao su, anh Tẩn A Lành chia sẻ mô hình trồng cây cao su đang mở ra một hướng đi mới cho hàng trăm người lao động trên địa bàn Căn Co và nhiều xã lân cận.
“Trước đây, hầu hết các diện tích canh tác có hiệu quả rất thấp, hoặc do đất cằn cỗi, cây cối không lên được, hoặc do canh tác lạc hậu, năng suất cây trồng rất thấp, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Góp đất trồng cao su, người dân được trả lợi tức xứng đáng”, anh Lành vui vẻ nói.
Với 8 ha đất, kể từ năm 2018, gia đình anh Lành được trả lợi tức 10 triệu đồng/năm. Nhưng giá trị đem lại khác còn lớn hơn. Đơn cử, góp đất làm cao su, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, kiến thức về sản xuất an toàn, đảm bảo ATLĐ trong sản xuất.
Việc góp đất cũng giúp người dân hạn chế đốt rừng làm nương, tránh tình trạng cháy rừng. Các hộ chăn nuôi hạn chế thả rông trâu bò, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Không tham gia góp đất, anh Vàng A Chánh trực tiếp tham gia làm công nhân tại nông trường cao su Căn Co. Sau hơn 7 năm, được tham gia vào các công đoạn trồng, chăm sóc cao su theo đúng quy trình chuẩn, anh hiện đã nắm vững kỹ thuật, thuần thục các bước.
Anh Chánh cho biết, trước đây 2 vợ chồng làm việc tự do, thu nhập bấp bênh, các điều kiện về ATLĐ không được đảm bảo nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Vì vậy, được nhận vào làm công nhân tại nông trường cao su là sự may mắn lớn.
“Được làm việc gần nhà, công việc có mức lương 4 – 5 triệu đồng, với chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, các điều kiện về ATLĐ được đảm bảo, là niềm mơ ước của tôi và gia đình. Nhờ làm ở nông trường, nhà tôi tích được vốn mua trâu, bò về nuôi, kinh tế ngày càng vững vàng”, anh Chánh phấn khởi cho hay.
Không chỉ kinh tế, cao su mang lại lợi ích về ATLĐ, vệ sinh môi trường |
Chú trọng an toàn
Nhờ lợi ích vượt trội, mô hình trồng cao su đang thu hút hàng trăm hộ nông dân tham gia. Số liệu thống kê cho thấy toàn xã Căn Co hiện có 570 hộ tham gia, góp tổng cộng gần 1,2 nghìn ha đất trồng cao su.
Sau 10 năm chăm sóc, năm 2018, các vườn cao su trên địa bàn bắt đầu cho thu hoạch. Sản lượng năm 2018 đạt trên 226 tấn mủ khô, chất lượng được đánh giá cao. Năm 2019 là năm thứ 2 cây cao su cho thu hoạch, dự kiến sẽ nâng cao cả về sản lượng và giá trị.
Chủ tịch UBND xã Căn Co, ông Phàn Quang Nhàn cho biết: “Nhờ góp đất trồng cao su, các hộ dân địa phương được trả lợi tức 5 – 10 triệu đồng/năm, tùy diện tích. Bên cạnh đó, mô hình đang tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động trong và ngoài địa bàn, mức lương ổn định 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng”.
Không chỉ tạo việc làm với thu nhập ổn định, đội ngũ công nhân còn được nông trường đảm bảo tốt các điều kiện về ATLĐ, đảm bảo sức khỏe trong quá trình làm việc. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động lao động nông thôn vào làm công nhân, ổn định cuộc sống.
Nhờ hiệu quả của mô hình, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân trên địa bàn xã Căn Co ngày càng được cải thiện. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 22 triệu đồng, năm 2019 nâng lên 24 triệu đồng.
Hạ Vi