Điển hình như HTX rau an toàn Vĩnh Phúc, HTX rau an toàn xanh Vân Hội, HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, HTX sản xuất, kinh doanh gạo Long Trì… Các HTX đều phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hiện đại, có sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Những năm qua, HTX sản xuất, kinh doanh gạo Long Trì đã phối hợp với các cơ quan ban, ngành, đặc biệt là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và Sở KH&CN Vĩnh Phúc để triển khai mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, hình thành thương hiệu gạo Long Trì.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc HTX, cho biết thôn Long Trì hiện có trên 400 hộ dân tham gia sản xuất, diện tích gieo cấy 120 ha/vụ, năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha. Dưới sự dẫn dắt của HTX, người dân địa phương đã dần từ bỏ tập quán sản xuất nhỏ lẻ để chuyển sang sản xuất tập trung với diện tích bình quân 10 - 20ha.
Trong quá trình sản xuất, các thành viên, hộ liên kết của HTX được hướng dẫn thực hiện đúng quy trình trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo mạ đến việc gặt hái, xay xát để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tam Dương đang trở thành điểm sáng phát triển HTX của tỉnh |
HTX rau an toàn Vĩnh Phúc được thành lập từ năm 2014, hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Nhờ tổ chức khoa học, mối liên kết giữa thành viên HTX ngày càng chặt chẽ, ý thức về sản xuất an toàn, ATLĐ cũng được nâng lên.
Anh Phan Văn Hưng - thành viên HTX, chia sẻ: “Vào HTX, chúng tôi không được sử dụng thuốc trừ sâu và bón phân tùy tiện, quá trình trồng và chăm sóc đều theo quy trình, hướng dẫn kỹ thuật của HTX. Các thành viên cũng được HTX hỗ trợ phân bón vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật, được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 1.000 - 1.500 đồng/kg”.
HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa cũng đang cho hiệu quả cao. Bà Phùng Thị Sáu - thành viên HTX, cho hay: "Nhà tôi có hơn 6 sào (360m2/sào) đất trồng dưa chuột và rau VietGAP. Vào HTX, tôi được chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, trang bị kiến thức về sản xuất an toàn, ATLĐ và được HTX bao tiêu sản phẩm với giá cao gấp 1,5 lần so với thị trường”.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn cho các HTX, từ năm 2017 đến nay, UBND huyện Tam Dương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp, hộ nông dân trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Huyện cũng đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX nâng cao nội lực, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, mang lại lợi ích toàn diện cho thành viên, người lao động HTX. Không chỉ về lợi ích kinh tế, các HTX đang ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Nguyên Hưng