Với tổng sản lượng lúa bao thai ước đạt 17.000 tấn/năm, huyện Chợ Đồn có thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ sản xuất đặc sản này. Nắm bắt tiềm năng, lợi thế của lúa bao thao, huyện Chợ Đồn xác định đây là một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương.
Để chuyên nghiệp hóa sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, HTX Hoàn Thành (xã Phương Viên) được thành lập, tham gia trực tiếp vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị, phát triển sản xuất an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên và người trồng lúa.
Hiện tại, HTX Hoàn Thành đang phối hợp với người nông dân xã Phương Viên phát triển mô hình trồng lúa Japonica của Nhật Bản trên diện tích 10ha. HTX cam kết bao tiêu 100% sản phẩm cho người dân, ngược lại, người dân phải tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP, đảm bảo các quy định về vệ sinh thực phẩm và ATLĐ.
Các HTX đang thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát huy các nông sản thế mạnh tại Chợ Đồn |
Bên cạnh cây lúa, hồng không hạt cũng đang là cây trồng giàu tiềm năng của huyện Chợ Đồn. Hồng không hạt đang là một trong 3 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận VietGAP của huyện.
Toàn huyện Chợ Đồn hiện có khoảng 169 ha trồng hồng không hạt, năng suất bình quân 45 tạ/ha, sản lượng 504 tấn/năm. Cây hồng đang mang lại thu nhập bình quân 100 - 200 triệu đồng mỗi vụ cho hộ trồng hồng tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc…
HTX Tân Phong (xã Quảng Bạch) là đơn vị tiên phong của huyện và cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đạt chứng chỉ VietGAP cho quả hồng không hạt, mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồng không hạt tại địa phương.
Để đảm bảo phát triển bền vững, các mô hình trồng hồng được chú trọng phát triển theo hướng an toàn, đẩy mạnh khoa học - công nghệ gắn với đảm bảo ATLĐ, tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn thực phẩm.
Ông Hà Sỹ Huân - Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, cho biết: “Không chỉ các vùng trồng hồng VietGAP, 100% diện tích trồng hồng của huyện được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, với quy trình chăm sóc (bón phân, phun thuốc) và thu hoạch an toàn, đảm bảo hiệu quả kinh tế, nâng cao ATLĐ cho người dân”.
Diện tích trồng chè của huyện Chợ Đồn hiện nay đạt 650ha, trong đó có 622 ha đang cho thu hoạch, diện tích chè Shan tuyết đặc sản khoảng 370ha. Thương hiệu chè Shan tuyết Bằng Phúc từ lâu được gây dựng và trở thành sản vật nổi tiếng của huyện.
HTX chè Thiên Phúc (xã Bằng Phúc) đang là một trong những đơn vị đi đầu trong phát triển sản xuất chè theo hướng hàng hóa, nâng cao các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, nâng tầm thương hiệu chè Shan tuyết Bằng Phúc.
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho biết, toàn huyện Chợ Đồn hiện có 12 HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Các HTX đang thể hiện vai trò đậm nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát huy các thế mạnh nông nghiệp của địa phương, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao ý thức về sản xuất an toàn, ATLĐ của người nông dân.
Phan Lang