Đặc biệt, các HTX môi trường và HTX tham gia BVMT đã từng bước triển khai ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững cho tương lai.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả
Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Đáng chú ý là, việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng công nghệ sinh học làm chất lượng nước các hồ giảm mùi hôi rõ rệt, giảm hiện tượng cá chết, vệ sinh môi trường trên hồ tốt hơn, cảnh quan đẹp hơn so với trước khi xử lý và được cộng đồng dân cư xung quanh đồng tình ghi nhận.
Chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. |
Cùng với đó là việc phát triển các HTX môi trường và HTX có dịch môi trường, cũng như việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học đã phát huy hiệu quả, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường sống.
“Nhiều mô hình HTX đã đưa chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng... Việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, ông Đồng cho hay.
Có thể kể đến mô hình của HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát tại xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
HTX đã được Trung tâm Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) – Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất hạt nhựa tái chế từ rác thải nhựa (nylon, vỏ chai, thùng nhựa) đã phân loại.
Các rác thải nhựa sẽ được thu gom toàn bộ từ các hộ gia đình, nhà hàng, doanh nghiệp, các loại nhựa khác nhau cần được sắp xếp và phân loại riêng biệt. Hơn nữa, phần nhựa tái chế cần được phân loại theo màu sắc, độ dày và công năng sử dụng.
Ông Trần Văn Trường Chủ tịch kiêm giám đốc HTX cho biết: “Đây là khâu quan trọng trong quy trình tái chế rác thải nhựa bởi quyết định đến 80% chất lượng hạt nhựa tái chế. Các tạp chất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sản xuất nhựa tái chế nên cần phân loại kỹ lưỡng để có thể làm sạch các tạp chất đó”.
Sau khi làm sạch, toàn bộ nguồn nguyên liệu tái chế sẽ được đưa vào máy để xay, băm hoặc nghiền nhằm giúp quá trình tái chế dễ dàng hơn. Máy sẽ băm và nghiền nhựa thành từng miếng nhỏ. Các miếng nhỏ có thể tiếp tục được phân loại theo tính chất và chất lượng có thể tái sử dụng.
Sau cùng là tái chế, sẽ thực hiện test các hạt nhựa đã được nghiền nhỏ ở bước trên. Đầu tiên các hạt nhựa sẽ được thả nổi trên mặt nước. Tiếp đó, các hạt này sẽ được phân tách để tìm được độ dày sau đó các hạt này sẽ được đóng thành bao.
Nâng cao trách nhiệm cộng đồng
Hay như tại huyện Can Lộc, HTX môi trường thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã liên kết với Công ty TNHH Thương mại và Xử lý môi trường Can Lộc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng bằng công nghệ hiện đại đã giải quyết được bài toán vệ sinh môi trường cho địa phương.
Ông Nguyễn Huy Vượng, Giám đốc HTX Môi trường thị trấn Nghèn cho biết: “Mỗi ngày, riêng tại địa bàn thị trấn Can Lộc có khoảng 10 tấn rác thải. Sau khi các thành viên thu gom về điểm tập kết sẽ chuyển đến nhà máy để xử lý. Lượng rác sau khi đi qua tất cả các dây chuyền xử lý trong nhà máy sẽ được tái sử dụng 100% thành những sản phẩm hữu ích như: Hạt nhựa, phân bón, gạch... Các tổ đội vệ sinh môi trường sử dụng những chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tại các bãi chôn lấp, bãi trung chuyển, điểm tập kết rác thải”.
Ứng dụng KH và CN là “chìa khóa” để bảo vệ môi trường. |
Trước đây, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều phải thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đến các tỉnh khác để xử lý.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho HTX do chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý cao mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải tồn đọng không được thu gom kịp thời.
“Rác đưa vào nhà máy phải qua dây chuyền xử lý phân loại rồi mới tiến hành các bước tiếp theo, từ khi nhà máy đi vào hoạt động góp phần tích cực giải quyết khó khăn trong xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh”. ông Vượng chia sẻ.
Có thể nói việc ứng dụng KH và CN như “chìa khóa” để bảo vệ môi trường, xác định môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng tương lai xanh, nhiều địa phương đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ để triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào xử lý rác thải. Với mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để tạo ra một môi trường sạch hơn, hạn chế ô nhiễm.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thành Đồng, để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng KH và CN trong xử lý môi trường, thời gian tới các địa phương cần chú trọng đa dạng hóa các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các HTX, cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng KH và CN sinh học trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
"Đặc biệt cần đẩy mạnh việc tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào việc quản lý, rà soát, xây dựng quy định quản lý rác thải, quy trình thu gom, phân loại rác tại nguồn, việc vận chuyển, xử lý, thúc đẩy tái chế rác", ông Đồng nhấn mạnh.
Kim Yến