Các HTX đã được hình thành và phát triển theo mục tiêu chung vì một môi trường không ô nhiễm, vì sức khỏe cộng đồng và huy động sức mạnh tập thể theo mô hình HTX. Từ đó, nhiều mô hình HTX trong BVMT đã được triển khai, gắn với yêu cầu cấp thiết của khu vực KTTT, HTX, phát huy tối đa năng lực cộng đồng trong quản lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhiều điển hình cần lan tỏa
Ông Nguyễn Kim Tuyển, Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, Tổng cục Môi trường chia sẻ, hiện nay các HTX dịch vụ môi trường tham gia nhiều công đoạn từ khâu thu gom, phân loại chất thải tại nguồn đến việc vận chuyển và xử lý, trong đó một số HTX chỉ thực hiện một công đoạn như thu gom rác thải tại nguồn hoặc chỉ vận chuyển rác thải.
Các HTX đã chứng tỏ được năng lực hoạt động của mình, tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương. |
Đối tượng phục vụ của các HTX là các hộ gia đình, một số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các cơ quan và doanh nghiệp đóng trên cùng địa bàn. Trong số các HTX thu gom rác thải có 53% số HTX chỉ cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình, 32% số HTX vừa cung cấp dịch vụ cho các hộ gia đình vừa cung cấp dịch vụ công.
“Ngoài việc tham gia tích cực vào bảo vệ và làm sạch môi trường, các HTX còn góp phần tạo việc làm cũng như thu nhập và bảo đảm đời sống cho hàng chục nghìn lao động mà chủ yếu là cho người nghèo”. Ông Tuyển cho biết.
Đơn cử tại Nam Định, HTX Nông nghiệp và Môi trường Xanh Trường Phát, huyện Xuân Trường đang nổi lên như là một trong những giải pháp góp phần thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, nhận thấy những vấn đề về ô nhiễm môi trường ở địa phương, HTX đã đề xuất và được sự ủng hộ của chính quyền để đầu tư, tổ chức dịch vụ thu gom, xử lý rác thải.
Hiện nay, HTX đã đầu tư hệ thống phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt với đầy đủ dây chuyền thiết bị gồm thiết bị phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, nylon…, thiết bị làm sạch và sấy khô rác nylon, lò đốt, khu xử lý rác hữu cơ… Mặc dù công suất còn khá nhỏ so với các xí nghiệp xử lý rác thải chuyên nghiệp, nhưng các khâu quan trọng, HTX đều có thể đảm nhiệm.
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình được thu gom tập kết về xưởng sản xuất đã được phân loại thành các phần riêng biệt, rác thải hữu cơ được tái chế thành phân hữu cơ thông qua chế phẩm sinh học, rác thải nhựa cứng được phân loại, rác thải nylon mỏng được làm sạch, khô để bán cho đơn vị tái chế nylon, phần còn lại rất nhỏ là các sành sứ, gạch đá, vải được đốt hoặc chôn lấp.
Hay như mô hình đảm bảo môi trường xanh tại HTX Dịch vụ môi trường xanh Phổ Yên, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã chứng tỏ được năng lực hoạt động của mình, tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái của địa phương.
Ông Đỗ Ngọc Huấn, chủ tịch HĐQT HTX khẳng định, dù mới chỉ hoạt động một thời gian ngắn, nhưng HTX đã khẳng định được vị trí của mình trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện nay 100% người dân trên địa bàn tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo cho thị xã xanh, sạch, đẹp.
"Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực làm việc và tự khẳng định được mình, HTX sẽ phát triển lớn mạnh hơn xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, góp phần làm cho thị xã Phổ Yên ngày càng xanh, sạch, đẹp", ông Huấn nói.
Vì môi trường bền vững
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, hiện nay nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX phát triển mạnh mẽ như: tỉnh Vĩnh Phúc có cơ chế hỗ trợ BVMT nông thôn, cụ thể: Hỗ trợ tiền công thu gom và xử lý rác thải; mua sắm phương tiện thu gom và xe cơ giới vận chuyển, xử lý rác thải, hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải khu dân cư, làng nghề, hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải (xử lý bụi, tiếng ồn, khí thải) theo dự án được cấp có thẩm quyền quyền phê duyệt.
Nhiều mô hình HTX vệ sinh môi trường hoạt động hiệu quả cần nhân rộng cho các địa phương. |
Tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách BVMT theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ đối với một số lĩnh vực môi trường (Hỗ trợ kinh phí mua xe chuyên dùng vận chuyển rác thải sinh hoạt theo địa bàn cụm xã, hỗ trợ một lần mua xe chở rác đẩy tay, thùng đựng rác, hỗ trợ mua chế phẩm sinh học xử lý mùi tại các khu vực tập kết rác thải sinh hoạt).
“Mặc dù vậy, nguồn lực tài chính cho hoạt động BVMT của các mô hình HTX còn bất cập so với yêu cầu, đa số thiếu vốn hoạt động. Trong lúc nguồn lực còn hạn chế thì hầu hết các HTX thiếu thông tin về các chương trình, dự án hoặc có thông tin nhưng còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng được kế hoạch, đề án, dự án cụ thể về BVMT để tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương giúp phát triển mô hình HTX môi trường và HTX tham gia BVMT” Ông Tài cho biết.
Để khắc phục những điều này, theo ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường cho rằng, cần phải tăng cường năng lực quản lý và xử lý môi trường.
Cụ thể, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, khắc phục suy thoái và sự cố ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin cho các mô hình HTX môi trường.
Hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, triển khai, hỗ trợ các mô hình HTX môi trường. Tăng cường sự liên doanh, liên kết để phát triển mô hình HTX môi trường. Nâng cao hiệu quả các hoạt động BVMT theo hướng gắn với HTX, tập trung giải quyết những vấn đề mà HTX thực sự có nhu cầu và tăng, cường xây dựng mô hình HTX vệ sinh môi trường theo đúng chuẩn mực, hoạt động hiệu quả để nhân rộng cho các địa phương.
Đặc biệt, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, cụ thể hóa các văn bản pháp luật quy định quyền hạn, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức Liên minh HTX các cấp nhằm tăng cường việc kiểm tra, giám sát các các HTX thực hiện các cam kết giảm ô nhiễm và BVMT. Mặt khác, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức trên trong việc hỗ trợ các HTX thực hiện cam kết.
Xây dựng cơ chế kiểm soát và hỗ trợ các HTX xác định các thông số cảnh báo ô nhiễm môi trường liên quan đến các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh. Xây dựng và thực hiện cơ chế đánh giá tác động của các chất thải do các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX thải ra đối với môi trường. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp kịp thời để giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường của các HTX.
Kim Yến