Hỗ trợ đầu tư các dự án điểm về môi trường, giúp các HTX nhân mô hình điểm ra diện rộng… đã và đang là cách làm chủ yếu của Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT), thuộc Liên minh HTX Việt Nam. Theo đó, hàng chục dự án, đề tài thời gian qua của Trung tâm xem như những cú hích có sức lan tỏa nhanh, góp phần khỏa lấp lĩnh vực môi trường còn bỏ ngỏ ở khu vực HTX trên cả nước.
Đối với hoạt động môi trường, theo đánh giá của Trung tâm, do nhận thức chung còn lơi lỏng, tư duy tiểu nông chưa thấy hết những nguy cơ báo động từ ô nhiễm môi trường, nên đây vẫn là lĩnh vực còn “rất trống” trong khu vực KTTT.
Ví như Trung tâm từng cảnh báo thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở ngành nông nghiệp. Số liệu điều tra cho thấy khoảng 35% số người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đọc nhãn thuốc, 94% số hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, 81,4% số người mua thuốc trừ sâu để ngay trong nhà…
Từ thực trạng khảo sát trên, Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn và tư vấn công tác bảo vệ môi trường ở tất cả Liên minh HTX các tỉnh, để qua đó chọn ra các vấn đề, đối tượng, mô hình dự án cải thiện môi trường cho các HTX. Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, Trung tâm được giao và chủ động đấu thầu triển khai 10 nhiệm vụ, đề tài, dự án bảo vệ môi trường. Trong đó, về sức lan tỏa mạnh có 3 đề tài, phù hợp 3 mô hình HTX “điểm”, như: thu gom tái chế rác thải ở HTX môi trường Tiền Phong (Vĩnh Phúc), xử lý phế thải xây dựng thành gạch không nung ở HTX Đồng Hòa (Hải Phòng), xử lý tái chế hạt nhựa từ nilon cho các HTX làng nghề huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Cụ thể với đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình HTX thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt cho các thị trấn, làng nghề nông thôn”, Trung tâm đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ trang thiết bị máy móc, công nghệ, cơ sở vật chất, thí điểm xây dựng mô hình HTX vệ sinh môi trường, tái chế chất thải sinh hoạt làm phân hữu cơ sinh học. Từ mô hình “điểm” ở Vĩnh Phúc, hình thành từ năm 2007, đến nay đã nhân rộng ra tới 275 HTX trên cả nước.
Ths. Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm, cho biết thời gian qua, Trung tâm đã tập trung thế mạnh của mình vào vấn đề cốt lõi nhất, đó là việc nhân rộng các mô hình điểm, quy mô nhỏ và vừa, kinh phí đầu tư mỗi dự án khoảng 200 - 300 triệu đồng, phù hợp với mức ngân sách đầu tư cho HTX ở các cấp huyện, xã. Những địa bàn cơ sở này chính là các điểm nóng về ô nhiễm môi trường và rác thải nông thôn…
Cũng theo ông Thanh, tới đây, Trung tâm sẽ tập trung vào 30 mô hình điểm cho các HTX trên 4 lĩnh vực ngành nghề cơ bản, là công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, công nghiệp thực phẩm và bảo vệ môi trường… Về cách làm, Trung tâm chỉ đầu tư “chất xám”, hỗ trợ kinh phí và trang thiết bị để hoàn thành mô hình điểm, việc nhân rộng thuộc trách nhiệm của các HTX, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố.
KHCN&MT là hai lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Trung tâm. Trung tâm này đã có hơn 10 năm khảo sát thực tế và định hình hai chương trình hoạt động chủ yếu về môi trường. Thứ nhất, là tư vấn, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các HTX, Liên minh HTX trên toàn quốc. Thứ hai, là kế hoạch hàng năm nghiên cứu và nhân rộng các dự án ứng dụng bảo vệ môi trường bền vững cho các HTX. Đây chính là những cú hích hàng năm của Trung tâm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường cho các HTX, doanh nghiệp thành viên hệ thống Liên minh HTX các cấp.
Lưu Đoàn