Nhờ quan tâm đến vấn đề môi trường, các mô hình HTX nuôi trồng thủy sản đã phát huy được hiệu quả, góp phần quan trọng cho ngành nuôi, trồng thủy sản phát triển bền vững, cũng như cung cấp sản phẩm sạch phục vụ đời sống người dân.
Từng bước nuôi trồng theo hướng công nghiệp
Ông Như Văn Cẩn, Vụ nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản đánh giá, điểm tạo ra khác biệt của mô hình nuôi tôm an toàn sinh học và mô hình nuôi truyền thống là khắc phục được tình trạng lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước biển.
Thay vì thường xuyên phải lấy nguồn nước biển cho mỗi vụ nuôi, mô hình này chỉ cần lấy nước biển 1 lần/năm. Nước biển được lấy vào 2 ao lắng, xử lý sinh học và cấp cho hệ thống ao nuôi.
Các HTX đã từng bước đổi mới phương pháp nuôi trồng theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường sống. |
Song song đó, nước thải từ các ao nuôi được thu hồi qua hệ thống tự chảy dẫn về hệ thống ao xử lý nước thải.
Nước thải sẽ được xử lý qua hệ thống ao thẩm thấu, lắng lọc và xử lý vi sinh đạt chuẩn rồi được bơm tuần hoàn liên tục tới ao trữ trước khi bơm cấp lại ao nuôi.
“Điểm ưu việt của mô hình này là tối ưu hóa việc sử dụng nước biển để tiết kiệm và không thải nước ra môi trường sau mỗi vụ nuôi. Hơn nữa, quá trình xử lý nước thải hoàn toàn theo phương pháp sinh học, không can thiệp bằng hóa chất, giúp giảm thiểu tác động ô nhiễm, làm xấu môi trường nuôi và tăng tính bền vững. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh môi trường nước biển ô nhiễm và khó kiểm soát như hiện nay”, ông Cẩn cho biết.
Như tại HTX nuôi trồng thủy sản Hải Điền, Hải Hậu, Nam Định đang thực hiện dự án nuôi tôm an toàn sinh học với quy mô 2,5 ha, được xây dựng hiện đại theo mô hình nuôi tôm trên cát, đáy ao phủ bạt và ứng dụng công nghệ vi sinh gây ức chế, ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật có hại. Hệ thống cấp nước biển sạch, hệ thống dẫn thoát nước thải đưa đi xử lý, hệ thống cung cấp khí oxy, quạt nước và quan trắc môi trường nuôi, quan trắc dịch bệnh được đầu tư đồng bộ.
Trước khi thả nuôi, tôm giống trải qua quy trình tầm soát dịch bệnh và được nuôi “gièo” tại hệ thống bể gièo, mỗi bể 150 m3.
Các bể gièo được kiểm soát tuyệt đối các chỉ tiêu môi trường để thuần dưỡng tôm giống khỏe lại sau quá trình vận chuyển, đồng thời giúp tôm giống làm quen với môi trường nước vùng nuôi và bổ sung chất dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng, đảm bảo chất lượng tôm giống tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, ưu thế của mô hình này là hạn chế được dịch bệnh trên tôm nuôi. Vải bạt ngăn ngừa tiếp xúc giữa môi trường nước của ao nuôi với lòng đất, nên hồ nuôi không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, lại hạn chế được ô nhiễm môi trường, thức ăn không bị thất thoát. Việc vệ sinh thuận tiện, giảm thời gian và chi phí.
Hiệu quả trong ứng dụng mô hình
Còn tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú, Ninh Hòa, Khánh Hòa, với tổng diện ao nuôi trên 10 ha, tất cả các thành viên đều đồng loạt nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ Semi biofloc.
Đây là công nghệ nuôi do ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Ninh Phú triển khai thành công trong nhiều năm qua, rồi hướng dẫn các thành viên ứng dụng, triển khai.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi, trồng thủy sản đã hạn chế được dịch bệnh, bảo vệ môi trường. |
Công nghệ Semi Biofloc là làm sạch, ổn định môi trường bằng vi tảo, còn Biofloc là vi khuẩn dị dưỡng, tảo, mùn giúp làm sạch nước, cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, ức chế sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh. Từ đó, tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo an toàn.
Để nuôi tôm theo công nghệ này các ao nuôi đều lót bạt nền đáy và bờ ao kết hợp hệ thống xi phông tự động. Khu nuôi phải có ao chứa nước và ao xử lý chất thải bài bản. Nước để nuôi được xử lý cẩn thận.
Trước tiên, nước biển được bơm vào bể lọc, sau đó đưa vào ao lắng đất, rồi đưa vào ao lắng bạt. Sau 72 giờ đồng hồ nước sẽ sử dụng để cấp hoặc bù nước cho các ao ương, ao nuôi… Đối với con giống thả nuôi được, HTX chọn nơi sản xuất uy tín hàng đầu Việt Nam.
Theo đại diện Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, đối với nuôi trồng thủy sản, tình trạng nuôi ngoài vùng quy hoạch, hoặc cơ sở hạ tầng nuôi chưa đảm bảo (đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải) nhưng nuôi mật độ quá cao là mối nguy lớn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất phòng bệnh và xử lý môi trường không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản cũng là nguy cơ rất nguy hiểm.
Do đó, để đảm bảo môi trường vùng nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cho rằng, các địa phương cần xây dựng và phát triển các vùng nuôi tập trung, chuyển từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Bên cạnh đó, có thể mở rộng diện tích nuôi ra các vùng biển mở, vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu lớn, loại bỏ các vùng nuôi trồng thủy sản tự phát, không theo quy hoạch chung, siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển.
Đồng thời, cần tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường tại các vùng nuôi thủy sản tập trung, hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi.
Có thể nói các mô hình nuôi, trồng thủy sản trên biển đảm bảo an toàn sinh học, phù hợp với điều kiện sản xuất tôm thương phẩm, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản hiện hành, thông qua việc kiểm soát sử dụng kháng sinh, không chất cấm trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình này cũng không cần sử dụng hóa chất xử lý ao sau mỗi vụ nuôi, nên rất thân thiện với môi trường.
Hoàng Hằng