Tràng Xá là xã miền núi có lợi thế về đất đai để phát triển nông – lâm nghiệp. Trên địa bàn xã đã và đang hình thành các vùng sản xuất tập trung với những sản phẩm nông nghiệp khá nổi tiếng như bưởi, chè, mía, ngô, đỗ tương… mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường sinh thái.
Phát huy thế mạnh tự nhiên
Dựa trên những lợi thế về điều kiện tự nhiên tại địa phương, anh Lương Văn Nghĩa, xóm Lò Gạch đã triển khai mô hình trồng bưởi diễn VietGAP quy mô hơn 500 gốc, mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn quả chất lượng cao.
Tràng Xá đang phát triển mạnh các loại cây có múi (Ảnh TL). |
Anh Nghĩa cho biết, gia đình anh mang giống bưởi Diễn từ Hưng Yên lên đất Tràng Xá cách đây gần 15 năm. Sau thời gian trồng thử, cây bưởi cho thấy sự thích nghi tuyệt vời với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn.
Đặc biệt, giá trị thu về từ cây bưởi cao hơn từ 3 - 5 lần so với trồng lúa hay các loại cây màu truyền thống, nên gia đình anh mạnh dạn đầu tư mua đất, mở rộng vườn cây từ 40 – 50 gốc lúc ban đầu lên 500 gốc như hiện tại, với 2 loại bưởi chủ lực là bưởi Diễn và bưởi Hoàng.
Để đảm bảo tính bền vững, anh Nghĩa tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP, trong đó việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát nghiêm ngặt, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng thời gian.
Quá trình chăm sóc bưởi cũng tuân thủ “4 không”, gồm không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng và không chất bảo quản. Việc này giúp bưởi đảm bảo chất lượng, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Theo anh Nghĩa, nhờ tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, quả bưởi Diễn, bưởi Hoàng trên đất Tràng Xá rất đậm đà, thơm ngon và được nhiều khách hàng tìm mua. Mỗi quả trung bình bán được từ 15.000 - 20.000 đồng.
Không trồng bưởi, anh Hoàng Văn Thể, xóm Thành Tiến, lại đang thành công với mô hình trồng chè hữu cơ. Gia đình anh hiện có 6 sào chè, cho thu hoạch 2 tạ/lứa, mỗi kg chè khô chất lượng cao bán được khoảng 150 nghìn đồng. Thu nhập từ làm chè giúp gia đình anh có kinh tế khá hơn so với những người cùng xóm.
Anh Thể cho biết thêm, năm 2017, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình được hỗ trợ 100 triệu đồng mua tôn sao chè bằng gas giúp cho công việc sao, sấy chè hàng ngày đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước kia, chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Hình thành liên kết
Không chỉ làm riêng lẻ, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tràng Xá đã liên kết để thành lập HTX, hướng đến sản xuất lớn. Toàn xã đang có 7 mô hình HTX, trong đó điển hình là HTX nông nghiệp sạch Tràng Xá, thành lập vào năm 2019.
HTX đang phát huy vai trò liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất ở địa phương (Ảnh TL) |
HTX Tràng Xá hiện có 56 thành viên, đồng thời thu hút gần 100 hộ liên kết, chủ yếu là thanh niên địa phương và người dân tộc Dao, Mông để sản xuất, kinh doanh.
Anh Hoàng Ngọc Vũ, Giám đốc HTX, cho hay HTX đang có 50 ha bưởi Diễn trồng tại Tràng Xá, 55 ha chè sản xuất theo chuỗi giá trị, tất cả canh tác theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường. Ngoài ra còn hàng nghìn thùng nuôi ong mật và vài chục ha trồng các loại cây ăn quả như cam, thanh long, nhãn.
Bên cạnh đó, các thành viên HTX và hộ liên kết còn sản xuất tương nếp cái, thịt bò thương phẩm, gà thương phẩm, cá trắm, chép, rô phi, trồng rau an toàn sinh thái…
Anh Chu Duy Tú, thành viên HTX Tràng Xá, chia sẻ từ khi tham gia vào HTX, các sản phẩm của gia đình như mật ong, chè, bưởi sản xuất đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó vì chất lượng vượt trội.
Với 6 sào chè, 20 đàn ong và hơn 2 sào nhãn, trong 2 năm 2019-2020, gia đình anh Tú thu về tổng cộng gần 140 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với sản xuất manh mún trước đây hoặc là đi làm công nhân.
“Thay đổi lớn nhất khi vào HTX là các thành viên được tập huấn kỹ thuật sản xuất an toàn sinh thái, vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ ổn định, không còn tình trạng được mùa - dội chợ”, anh Tú phấn khởi nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Tràng Xá, những năm qua, nhận thấy hiệu quả từ trồng chè và một số cây ăn quả tương đối cao, xã khuyến khích người dân ở những xóm có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp phát triển loại hình này, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực.
Để nâng cao giá trị các sản phẩm, xã đã thực hiện nhiều chính sách, tham mưu với tỉnh, huyện hỗ trợ đưa sản phẩm của xã đi xa hơn nữa, góp phần tăng thu nhập cho bà con địa phương. Ngoài ra, xã đẩy mạnh hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - công nghệ và tìm đầu ra ổn định, liên hệ tìm các chương trình, dự án hỗ trợ về giống, phân bón.
Lệ Chi