Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, những năm gần đây, xã Tú Thịnh đã tích cực đưa các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện đến với người dân. Đến nay, xã có 6 trang trại chăn nuôi gà, lợn, 2 HTX chăn nuôi gia cầm tập trung, quy mô vừa ở thôn Tân Thắng, Đông Thịnh, Sơn Thủy…
Nhiều tín hiệu khởi sắc
Trang trại lợn của gia đình anh Vũ Anh Tuấn, thôn Đông Thịnh hiện đang nuôi 40 con lợn thương phẩm. Với sự đồng hành của địa phương, Tổ hợp tác chăn nuôi Đông Thịnh, mô hình chăn nuôi của anh Tuấn liên tục phát triển ổn định, ít dịch bệnh, cho thu nhập cao.
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn xã Tú Thịnh có nhiều khởi sắc (Ảnh TL). |
Theo anh Tuấn, kể từ năm 2018 đến nay, thị trường thịt lợn có lúc rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng gia đình anh chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, nên vẫn duy trì mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 30 con, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Để có thành công này, anh Tuấn được Tổ hợp tác Đông Thịnh hỗ trợ thực hiện chăn nuôi theo mô hình khép kín, hệ thống chuồng trại được cải tạo, bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông và được phun thuốc sát trùng định kỳ để phòng ngừa các dịch bệnh.
Đặc biệt, anh Tuấn luôn chú trọng bảo vệ môi trường, tạo không gian sạch cho vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh. Từ nguồn chất thải dồi dào, anh học phương pháp ủ phân để làm phân hữu cơ an toàn bón cho diện tích rau màu và cây ăn trái, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tương tự, anh Đặng Văn Dũng, thôn Tân Thắng chia sẻ, trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2017, anh được huyện hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng và 1 con bò giống để chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
Nhờ chăn nuôi hiệu quả, ngoài tăng thêm số lượng đàn bò, gia đình anh Dũng còn nuôi thêm dê, đến nay đàn dê được 15 con. Cứ 5 tháng xuất chuồng 1 lần, mỗi lần bán 25-30kg, lãi thu được giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Phát triển bền vững
Anh Đặng Văn Dũng chia sẻ: “Bên cạnh kinh tế, chăn nuôi hữu cơ còn mang lại giá trị về môi trường. Cụ thể, trong quá trình chăn nuôi, các hộ được vay vốn phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”.
Đơn cử, chuồng trại của các hộ được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên để tránh gây ô nhiễm nguồn không khí, hạn chế dịch bệnh. Chất thải được tập trung đúng nơi quy định, xử lý vi sinh thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.
Cần thêm các nguồn lực hỗ trợ để mô hình chăn nuôi hàng hóa được nhân rộng, tăng hiệu quả (Ảnh TL). |
Theo UBND xã Tú Thịnh, kể từ năm 2018 đến nay, các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn xã liên tục tăng, từ 3 mô hình lên gần 50 mô hình ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn đang phát huy hiệu quả tích cực.
“Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao, cạnh tranh thị trường ngày càng tăng, thì chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, thân thiện môi trường là hướng đi tất yếu nhằm giảm thiểu chi phí, tăng chất lượng, đảm bảo hiệu quả bền vững”, đại diện UBND xã nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, xã sẽ chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi gà trên địa bàn các thôn, hỗ trợ các HTX ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Xã cũng sẽ vận động các nguồn hỗ trợ người chăn nuôi về nguồn vốn, kỹ thuật, tổ chức tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi an toàn sinh học, sản xuất theo chuẩn VietGAP, xúc tiến thương mại, kêu gọi các đơn vị bao tiêu sản phẩm.
Nhật Minh