Trực Thái hiện có gần 200 hộ phát triển mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có hàng chục hộ phát triển mô hình chăn nuôi hỗn hợp, theo hướng trang trại, mang lại giá trị cao. Đặc biệt, vai trò của các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi trên địa bàn xã cũng được khẳng định.
Hiện đại hóa quy trình
Cách đây 5 năm, để đẩy mạnh liên kết, phát triển chăn nuôi theo chuỗi tại địa phương, HTX chăn nuôi Long Phú được thành lập, trở thành điểm tựa cho thành viên, người chăn nuôi.
Người dân xã Trực Thái sử dụng cám pha thảo dược thân thiện môi trường để chăn nuôi (Ảnh TL). |
Anh Nguyễn Văn Thục, Giám đốc HTX chia sẻ, để nâng cao giá trị sản xuất, HTX chủ động phối hợp với các đơn vị chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về chăn nuôi, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Điển hình, HTX đầu tư máy chế biến hiện đại và chuẩn bị nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường như ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương, kết hợp với các loại thảo dược như kim ngân, khổ sâm, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc...
Chuồng trại chăn nuôi của các hộ được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên để tránh gây ô nhiễm nguồn không khí, hạn chế dịch bệnh; chất thải được tập trung đúng nơi quy định, xử lý vi sinh thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt.
“Chăn nuôi an toàn sinh học vừa giảm công chăm sóc cho thành viên, hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất. Cụ thể, chi phí cho thức ăn chăn nuôi giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg, giá bán thịt lợn cao hơn so với thịt lợn thường 8.000 - 10.000 đồng/kg”, anh Thục phân tích.
Bên cạnh lợn, các mô hình nuôi bò, nuôi gia cầm như gà, vịt… cũng đang được các hộ chăn nuôi xã Trực Thái chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, thân thiện môi trường.
Điển hình như trang trại quy mô hơn 6.000 con gà đồi của gia đình anh Nguyễn Đức Phi, Tổ hợp tác chăn nuôi VietGAP xã Trực Thái đang cho lợi nhuận hàng trăm triệu mỗi năm.
Theo anh Phi, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, gia đình anh tiến hành trải lớp đệm lót sinh học trên bề mặt nền chuồng, qua đó giúp giảm thiểu mùi hôi, hạn chế các loại vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, giúp đàn gà khỏe mạnh, tăng cân nhanh, chất lượng thịt ngon hơn.
Tiếp tục nhân rộng
“Sắp tới, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời tích cực chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn cho các thành viên Tổ hợp tác, từ cách chọn con giống đến cách chăm sóc, cách phòng bệnh…”, anh Phi nói.
Các mô hình chăn nuôi VietGAP sẽ tiếp tục được xã đẩy mạnh hỗ trợ (Ảnh TL). |
Theo đại diện UBND xã Trực Thái, những năm qua, số lượng các hộ đầu tư chăn nuôi theo mô hình VietGAP, hữu cơ trên địa bàn xã ngày càng tăng. Vai trò của các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn ngày càng được phát huy.
Để đảm bảo hiệu quả bền vững, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi trên địa bàn các thôn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Xã cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người chăn nuôi về nguồn vốn, kỹ thuật, tổ chức tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà an toàn sinh học, sản xuất theo chuẩn VietGAP, xúc tiến thương mại, kêu gọi các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Nhật Minh