Anh Ma Văn Vĩ, thôn Tứ Thông là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào chăn nuôi xanh ở xã Hợp Thành. Năm 2014, sau khi tham gia HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành, anh được tập huấn khoa học để phát triển mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ.
Hiệu quả tăng cao
Với sự đồng hành của HTX Hợp Thành, anh Ma Văn Vĩ đã mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm từ hơn 100 con/năm lên xấp xỉ 2.000 con/năm.
Chăn nuôi hữu cơ cho giá trị kinh tế cao hơn (Ảnh TL). |
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, kiến thức khoa học, sau 3 tháng chăm sóc, anh Vĩ xuất bán lứa gà đầu tiên với giá 47.000 đồng/kg, thu lãi 25 triệu đồng.
Anh Vĩ cho biết gà của gia đình được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hoàn toàn không có chất kích thích, chuồng nuôi được vệ sinh sạch sẽ, dải đệm lót sinh học, vừa đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa nâng cao chất lượng thịt.
Đến nay, hoạt động chăn nuôi đi vào ổn định, mỗi năm gia đình anh Vĩ nuôi được 3 lứa, mỗi lứa hơn 2.000 con gà thương phẩm, thu lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.
Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi hữu cơ, thân thiện môi trường, xã Tú Thịnh cũng đang tích cực đưa các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, huyện đến với người dân.
Đến nay, xã Tú Thịnh có 6 trang trại chăn nuôi gà, lợn, 2 HTX chăn nuôi gia cầm tập trung ở thôn Tân Thắng, Đông Thịnh, Sơn Thủy.
Trang trại lợn của gia đình anh Vũ Anh Tuấn, thôn Đông Thịnh hiện đang nuôi 40 con lợn thương phẩm. Để nâng cao giá trị kinh tế, gia đình anh chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi tháng phun 2 lần thuốc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ.
Bên cạnh đó, để hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, anh Tuấn tiến hành vệ sinh chuồng trại thường xuyên, lượng chất thải được tập trung, xử lý đúng cách, một phần được ủ hoai để phục vụ trồng trọt, góp phần tiết kiệm chi phí.
Thêm động lực phát triển
Thống kê của Phòng NNPTNT huyện Sơn Dương cho thấy, toàn huyện đang có tổng đàn gia súc hơn 1,6 triệu con, với 75 trang trại, 7 HTX chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung ở các xã Hợp Thành, Tú Thịnh, Đông Thọ.
Sơn Dương sẽ thêm các nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa (Ảnh TL). |
Thực tế cho thấy các HTX chăn nuôi đang phát huy tốt vai trò liên kết, định hướng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ, mang lại hiệu quả cao cho thành viên, hộ dân liên kết.
Huyện Sơn Dương cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thành lập được Hội trang trại. Lúc đầu chỉ có trên 30 thành viên nhưng đến nay con số đã là trên 200 thành viên. Đây là nơi để các chủ trang trại chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý trong làm ăn, thảo luận về giá cả thị trường, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi...
Để nâng cao giá trị cho chăn nuôi, huyện định hướng dần đưa ngành chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, thân thiện môi trường.
Theo đó, huyện đang phối hợp với UBND các xã, thị trấn hỗ trợ người chăn nuôi bằng hình thức mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi chọn con giống chuẩn, khuyến khích sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Đẩy mạnh thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, sạch bệnh, bảo đảm gia tăng giá trị sản phẩm.
Hưng Nguyên