Thạnh Lợi là một trong những xã có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện Bến Lức, với tổng diện tích hàng trăm ha, phần lớn được triển khai theo hướng sạch, thân thiện môi trường. Vùng đất này quanh năm nhiễm phèn, các loại cây trồng khác không phát triển được nhưng dứa lại đang cho thấy sự thích nghi tuyệt vời.
Chất lượng tạo nên giá trị
Gần 10 năm gắn bó với cây dứa, anh Vũ Mạnh Quyền, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp ấp 4, xã Thạnh Lợi đang triển khai mô hình sản xuất dứa VietGAP rộng gần 16 ha, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dứa đang thích nghi tốt, cho giá trị cao trên đồng đất xã Thạnh Lợi (Ảnh TL). |
Theo anh Quyền, để trồng dứa hiệu quả, anh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, xử lý cho cây ra trái theo ý muốn để tránh “trúng mùa, mất giá”, đồng thời tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định giá bán.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, anh tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất sạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh, từ đó nâng cao hiệu quả, ngăn thoái hóa, xói mòn đất, giảm thiểu ô nhiễm.
Đặc biệt, anh Quyền cũng được Tổ hợp tác hướng dẫn sử dụng các loại thiên địch để diệt các loại côn trùng gây hại; các loại bao bì ni lông, chai lọ nhựa được thu gom tập trung, xử lý đúng cách.
"Nhờ sản xuất sạch, vựa dứa nhà tôi đạt năng suất bình quân 20 - 25 tấn/ha. Với giá bán bình quân 8.000 - 10.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi lãi 300 - 500 triệu đồng/năm”, anh Quyền phấn khởi nói.
Cùng chung niềm vui, ông Phạm Văn Tín cho biết, trước đây gia đình ông trồng mía, sau đó trồng chanh nhưng đều thất bại nên ông quyết định chuyển đổi 8 ha đất sang trồng dứa, trong đó có 2 ha cho thu hoạch vào dịp tết.
Những năm qua, thị trường tiêu thụ dứa khá ổn định, giá bình quân ở mức cao, vào dịp tết thường dao động ở mức 10.000 - 12.000 đồng/trái (mẫu mã đẹp để chưng tết). Với giá bán hiện nay, bình quân mỗi ha, người trồng có thể thu về 50 - 70 triệu đồng.
Định hướng phát triển bền vững
Theo đại diện UBND xã Thạnh Lợi, toàn xã đang có 1 HTX và 1 tổ hợp tác trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP tại ấp 4 với 14 thành viên, tổng diện tích canh tác xấp xỉ 50 ha.
Cây dứa sẽ được hỗ trợ phát triển theo hướng hiện đại để đảm bảo hiệu quả bền vững (Ảnh TL). |
Để mô hình trồng dứa trên vùng đất phèn đạt hiệu quả, xã chủ trương vừa quan sát, hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, vừa chủ động nhân rộng mô hình theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Theo các hộ sản xuất tại địa phương, cây dứa có thể thích ứng với đất phèn và chịu mặn tốt, dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, cách chăm sóc đơn giản. Sau khi trồng khoảng 14 - 18 tháng, dứa sẽ cho thu hoạch quanh năm; trung bình một vườn dứa thu hoạch trong vòng 3 - 5 năm.
Trải qua nhiều thăng trầm, hiện cây khóm của địa phương đang dần phục hồi và phát huy được thế mạnh, trở thành loại cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, địa phương xây dựng đê bao ngăn mặn, triều cường. Các HTX, tổ hợp tác đã chủ động phối hợp cơ quan chức năng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người trồng dứa. Nhờ đó, nông dân biết cách xử lý phèn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Trong thời gian tới, xã Thạnh Lợi sẽ định hướng, nỗ lực xây dựng, hoàn thiện quy trình sản xuất dứa theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường, chủ động tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho cây dứa, qua đó tiếp tục nâng cao giá trị, biến cây dứa trở thành “cây đổi đời” cho nông dân địa phương.
Hưng Nguyên