Sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo Phước An. Thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn, đã thôi thúc anh Nguyễn Văn Học quyết tâm thoát nghèo. Năm 1998, anh dồn tất cả vốn liếng của gia đình để làm chuồng trại, bắt đầu gây dựng thương hiệu trứng gà Văn Học.
Gây dựng thương hiệu
Bắt tay vào kế hoạch, anh bắt đầu nuôi 500 con gà đẻ trứng giống Hyline. Năm 2004, anh Học mạnh dạn lập dự án xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng và được chính quyền các cấp ủng hộ xây dựng trang trại với diện tích 8.160m2 tại thôn Phước An.
![]() |
Mô hình trang trại nuôi gà khép kín của anh Nguyễn Văn Học (Ảnh: TL) |
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài để phát triển, anh nuôi 1.500 con gà đẻ, mang lại doanh thu hàng năm 15 triệu đồng và tiếp tục tăng quy mô đàn gà. Đến năm 2006, trang trại của anh thường xuyên có hơn 5.000 gà đẻ, lớn nhất khu vực Tam Kỳ - Phú Ninh nên được nhiều khách hàng đặt mua trứng gà. Thời điểm đó, siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ hình thành và chủ động đi tìm nguồn nông sản sẵn có tại các địa phương lân cận.
Anh đã tự nghiên cứu cách chăn nuôi gà đẻ trứng đúng kỹ thuật và phòng ngừa dịch cúm do thời tiết thay đổi bằng nhiều phương pháp nghiên cứu, mang lại hiệu quả tương đối cao cho đàn gà. Năm 2007, trang trại đã đáp ứng đủ các điều kiện yêu cầu của Co.opMart Tam Kỳ và “trứng gà Văn Học” đã trở thành một trong những thương hiệu thực phẩm sạch được siêu thị Co.opMart Tam Kỳ tiêu thụ. Theo đó, doanh thu bán trứng cho siêu thị đạt khoảng 400 triệu đồng/năm.
Theo anh Nguyễn Văn Học, HTX đã xây dựng trang trại khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn về nhiệt độ, môi trường, quạt gió và sử dụng công nghệ tự động cho ăn, dọn phân... để mở rộng quy mô chăn nuôi lên 20 nghìn con gà.
"Chúng tôi luôn đặt chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu để tạo dựng và phát triển thương hiệu lâu dài, bền vững. Có lẽ nhờ vậy nên trứng gà của trang trại chúng tôi lâu nay được người tiêu dùng tin tưởng”, anh Học nói.
Đa dạng hóa các sản phẩm
Nhờ kiên trì theo đuổi và liên tục cải tiến không ngừng, đến nay HTX chăn nuôi sản xuất và kinh doanh trứng gà Văn Học đã lên đến hơn 12 nghìn con gà đẻ siêu trứng, hơn 2 nghìn gà đẻ trứng giống Ai Cập cũng như mở rộng sang các sản phẩm khác.
![]() |
Trứng gà Văn Học đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh (Ảnh: TL) |
Mỗi ngày cơ sở cung ứng cho thị trường khoảng 5.000 - 6.000 trứng, chủ yếu cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải, các trường học, chợ ở Phú Ninh, TP.Tam Kỳ và TP.Đà Nẵng.
Hiện, "trứng gà Văn Học" đã có bộ nhận diện thương hiệu với mã QR, logo và tem nhãn để người tiêu dùng dễ dàng xác định nguồn gốc sản phẩm. Từ chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất cho đến việc đầu tư, chăm chút cho bao bì sản phẩm, các phương án kinh doanh, xây dựng thương hiệu đều được HTX chuẩn bị bài bản.
Đồng thời, các quy định về môi trường chăn nuôi, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đều được HTX tuân thủ. Do đó, "trứng gà Văn Học" đã được xếp hạng ba sao chương trình OCOP cấp tỉnh.
Theo nhận xét của lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh:“Trứng gà Văn Học được sản xuất theo các tiêu chuẩn khắt khe trong quá trình chăn nuôi cũng như cách mà HTX này xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình”.
Thời gian tới, anh Nguyễn Văn Học sẽ tiếp tục tìm cách nghiên cứu mô hình chăn nuôi gà ác ở miền Nam để thử nghiệm tại trang trại mình.
Nhật Nam