Thăng Bình là huyện có xuất phát điểm về kinh tế thấp, địa bàn cách trở, với 22 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã nghèo và 2 xã miền núi. Toàn huyện có gần 190.000 người, trong đó 75% sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Do hệ thống hạ tầng, giao thông còn yếu kém nên việc đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương gặp nhiều trở ngại.
Huyện nghèo đi lên
Theo báo cáo tổng kết chương trình xây dựng NTM, toàn huyện có 12 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, xã Bình Nguyên đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để được tỉnh công nhận chuẩn NTM. Trên địa bàn huyện có 8 thôn của 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, mới nhất là thôn Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên).
Từ khi triển khai xây dựng NTM, vùng đất Thăng Bình dường như "thay da đổi thịt" từng ngày. |
Bằng nguồn lực xã hội hóa và đóng góp của những người con xa quê, đến nay 90% các đoạn đường thôn Liễu Thạnh được thắp sáng về đêm, 70% các đoạn đường được trồng hoa dọc hai bên đường.
Bên cạnh đó, thực hiện phương châm của chương trình xây dựng NTM là có khởi đầu chứ không có điểm dừng, huyện Thăng Bình đã chọn xã NTM Bình Phú để làm xã điểm xây dựng thành xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Đặc biệt, để phát triển kinh tế nông thôn, cả hệ thống chính trị đã huy động các nguồn lực nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng, gồm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển HTX, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...
Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng sản xuất hàng hóa chủ lực là cây lúa gắn với các loại cây trồng cạn, cây tiêu. Địa phương chú trọng xây dựng HTX nông nghiệp hoạt động từ loại khá trở lên và có HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Đến nay, Bình Phú đã đạt tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực là 91%, cao hơn so với yêu cầu của tiêu chí. Xã đang hỗ trợ người dân để xây dựng ít nhất 2 mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp đạt doanh thu trên 500 triệu đồng/năm cũng như triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Chung tay xây dựng NTM
Xây dựng NTM ở huyện Thăng Bình không chỉ ở huy động sức dân mà còn có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng. Có thể kể đến như Hội Nông dân huyện Thăng Bình đã phối hợp chặt chẽ với các ngành tổ chức 116 lớp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản cho 4.625 hội viên nông dân trong năm qua.
Trồng rau VietGAP đem lại thu nhập ổn định trong xây dựng NTM. |
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện còn tập trung tuyên truyền về vai trò, vị trí và tác động của thành phần kinh tế tập thể đối với sự phát triển của kinh tế hộ, kinh tế trang trại dưới nhiều hình thức. Từ đó đã xây dựng được 22 mô hình liên kết nhóm hộ sản xuất cùng loại sản phẩm như nuôi bò nhốt chuồng, nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, nuôi tôm trải bạt trên cát, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP… giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất lúa giống, trồng và tiêu thụ gỗ dăm, trồng lạc ở HTX nông nghiệp Bình Đào, HTX nông nghiệp Bình Nam, HTX nông nghiệp Bình Định Nam... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm đều giảm.
Theo kế hoạch, cuối năm 2020 huyện sẽ hoàn thành xây dựng NTM ở Bình Phục, Bình Đào, Bình Hải; hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao và kiểu mẫu ở xã Bình Phú.
Theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình: “Gắn liền với xây dựng NTM, huyện triển khai sâu rộng, thiết thực các phong trào thi đua dân vận khéo, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi...
Mục đích quan trọng trong xây dựng NTM là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa.
Có được tiền đề đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững”.
Nguyễn Đan