Lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá
HTX Đan Hoài được thành lập từ năm 2002 với ngành nghề chính ban đầu là chăn nuôi lợn. Sau 2 năm hoạt động, HTX chuyển đổi chăn nuôi gia súc sang trồng hoa. Với sự tự nguyện góp đất, góp vốn của các thành viên, những nông dân thế hệ mới của Đan Hoài đã “bắt đất nở hoa”.
Bà Bùi Thị Hường Bích – Giám đốc HTX Đan Hoài cho biết: Thời điểm đầu năm 2004, nhận thấy lợi thế của xã nằm ven sông Hồng, có đất đai màu mỡ phì nhiêu, nguồn nước dồi dào, hệ thống giao thông thuận tiện cùng nhu cầu về hoa cao cấp, HTX quyết định đầu tư vào sản xuất hoa cao cấp.
Cũng trong thời điểm đó, HTX Đan Hoài được Bộ KHCN chọn là đơn vị triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng, Hà Nội”. Sau khi triển khai dự án, cơ sở vật chất và năng lực khoa học công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao, nhất là hoa lan hồ điệp của HTX đã được nâng cao đáng kể.
Nhờ sự đầu tư bài bản trên, đến nay HTX đã có cơ sở vật chất tiên tiến với 20.000m2 nhà lưới công nghệ cao, sản xuất trung bình khoảng 800.000 cây hoa hồ điệp các loại. Qua đó không chỉ đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương, mà còn giải quyết việc làm cho trên 40 lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Từ cuối năm 2017, toàn bộ lan của HTX cung cấp ra thị trường đều được truy xuất nguồn gốc, điều không phải HTX nào cũng làm được.
HTX cũng có phòng nuôi cấy mô hiện đại kiểm soát nguồn cây giống, có hệ thống làm lạnh, bảo quản hoa sau thu hoạch, phòng thiết kế tạo dáng hoa lan theo đơn đặt hàng... Đồng thời, HTX đã làm chủ được công nghệ sản xuất các loại hoa cao cấp như lan hồ điệp, vũ nữ, lily… phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Bà Bích cho biết, trang trại hoa lan ở đây chỉ trồng duy nhất một loại lan Hồ điệp, nhưng có khoảng 40 màu sắc khác nhau, trong đó có 1-2 màu là bản quyền chỉ có Flora Vietnam mới có.
Hàng năm, HTX còn giới thiệu và chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài thành phố Hà Nội, đưa ra thị trường hàng chục vạn cây giống và hoa lan Hồ Điệp với chất lượng cao, có độ bền hơn nhiều hoa nhập khẩu.
Từ bước đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất hoa cao cấp, qua 13 năm chuyển giao, thử nghiệm công nghệ cả trong và ngoài nước, tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học tới nay HTX Đan Hoài đã tự tin làm chủ được công nghệ sản xuất hoa cao cấp trong điều kiện khí hậu của miền Bắc.
Hoa Lan nở theo ý muốn nhờ ứng dụng công nghệ cao
Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào sản xuất hoa, HTX Đan Hoài đã xác định phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, hệ thống nhà lưới được xây dựng, tùy theo từng đối tượng hoa, áp dụng quy trình chăm sóc hoa hiện đại bậc nhất ở Việt Nam.
HTX Đan Hoài đầu tư cơ sở vật chất hiện đại với 18.000m2 nhà lưới công nghệ cao để sản xuất hoa cao cấp. |
Đến nay, HTX Đan Hoài đã có cơ sở vật chất hiện đại với 18.000m2 nhà lưới công nghệ cao để sản xuất hoa cao cấp, 1 phòng nuôi cấy mô hiện đại và đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, cùng với đó là các chuyên gia của Việt Nam và nước ngoài.
Bà Bích chia sẻ, cùng với việc ứng dụng công nghệ nhà lưới hiện đại bậc nhất trong việc trồng, chăm sóc và xử lý hoa. HTX cũng luôn đi đầu trong ứng dụng sản phẩm hoa lan hồ điệp chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước.
Để lan hồ điệp nở đúng thời điểm mong muốn thì trước đó cả năm trời, người trồng lan hồ điệp phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật điều tiết với yêu cầu rất khắt khe về nhiệt độ, ánh sáng…
Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở trồng hoa lan hồ điệp, công việc điều tiết để hoa nở theo ý muốn đều áp dụng xử lý ở nhiệt độ thấp bằng cách chuyển các cây lên các vùng có khí hậu mát mẻ như Sa Pa, Mộc Châu giúp cây lan hồ điệp phân hóa mầm hoa, ra hoa đúng theo ý muốn.
Tuy nhiên, theo bà Bích phương pháp này sẽ chỉ xử lý cho cây ra hoa được 1 vụ/năm mà không cho hoa quanh năm theo yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng hoa cũng kém hơn như cành ngắn, cong queo, hoa nhỏ, cây bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, dễ nhiễm nấm bệnh và virus.
Từ thách thức trên, HTX Đan Hoài đã quyết định đầu tư hệ thống làm lạnh, xử lý ra hoa tại chỗ sẽ giúp chủ động được nhiệt độ, ánh sáng và tạo được điều kiện tốt nhất cho hoa phát triển.
Tiêu chuẩn cây lan hồ điệp khi xử lý lạnh là cây có từ 4-5 lá, trong đó có 3-4 lá đủ tiêu chuẩn với chiều dài lá trung bình 20cm, là lúc cây có khả năng phân hóa mầm hoa trong điều kiện nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, nhiệt độ và thời gian xử lý phụ thuộc vào giống cũng như mùa vụ trong năm, vì vậy phương pháp điều chỉnh cũng cần linh hoạt. Trong phòng xử lý lạnh, ban đêm nhiệt độ được yêu cầu là 18 độ C, ban ngày là 24 độ C, ẩm độ từ 60-80%...
Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lan hồ điệp, HTX Đan Hoài đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố Hà Nội. Hiện nay, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu lan hồ điệp mang tên "Flora Việt Nam” đạt OCOP từ 3 đến 4 sao.
HTX Đan Hoài luôn đi đầu trong cung ứng các sản phẩm hoa lan hồ điệp chất lượng cao. |
"Khoa học công nghệ là chìa khóa, động lực gia tăng giá trị của các ngành kinh tế, nhất là với lĩnh vực sản xuất hoa công nghệ cao, đối với các loại hoa giá trị như hoa lan hồ điệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật một cách tối đa trong sản xuất hoa của HTX góp phần cải tạo đất trồng, lai tạo các giống hoa có khả năng thích ứng với những vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn. Để nâng cao độ phì nhiêu của đất và chất lượng hoa, HTX chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học", bà Bích chia sẻ.
Khó khăn cần tháo gỡ
Từ thực tế của HTX, bà Bích cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa vẫn còn hạn chế. Công nghệ cao mới chỉ được ứng dụng ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm, dẫn đến năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa cao, thiếu tính cạnh tranh.
Vì vậy, HTX Đan Hoài cũng như các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất cần sự hỗ trợ, chính sách xã hội hóa hoạt động khoa học công nghệ nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Riêng đối với sản xuất hoa lan hồ điệp, kỹ thuật xử lý ra hoa phải có giai đoạn xuân hóa (xử lý cây trong môi trường nhiệt độ thấp để cây có thể phân hóa được mầm hoa), trong khi điều kiện khí hậu của Hà Nội rất khó cho việc hạ nhiệt độ vào các tháng hè, thu để cây ra hoa như mong muốn. Công nghệ này khá phức tạp và chi phí cao nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để giúp các cơ sở sản xuất hoa lan có thể làm chủ được công nghệ này.
Bà Bích chia sẻ, HTX lúc nào cũng “đói vốn”. Mỗi năm HTX tăng từ 20 - 30% công suất vườn, trụ sở của HTX là đất của thành viên nên khi vay vốn, tiếp cận nguồn kinh phí của một số tổ chức tín dụng rất khó.
Bà Bích phân tích, trong sản xuất kinh doanh, HTX mà cứ chờ nguồn kinh phí của một số tổ chức thì không ổn, lúc cần vay thì mãi không vay được, đến khi được tiếp cận thì không cần vốn nữa, vì đã kết thúc vòng đời sản xuất cây trồng.
Theo bà Bích, hiện HTX đang vướng ở phần quản trị, một khâu rất quan trọng. Quản trị trong nông nghiệp hiện khá yếu kém vì gần như không số hóa được thứ gì. Một năm HTX Đan Hoài đưa ra thị trường gần 1 triệu cây, bài toán quản lý 1 triệu cây như thế này là cả một vấn đề.
“Trong các ngành khác thì rất đơn giản, ví dụ: chai nước lọc có mã vạch để kiểm tra. Nhưng cây ở mỗi một giai đoạn sinh trưởng sẽ được thay một vỏ bầu khác, từ khi trong bầu tới khi xuất bán, ít nhất phải 3 lần thay vỏ bầu. Trong khi cây vẫn phải tưới nước, bón phân, sinh trưởng, như vậy, cái gì có thể dán lên đó mà không bị rơi. Tôi thường nói làm ít mà quản lý chặt còn hơn làm nhiều mà buông lỏng”, bà Bích tâm sự.
Cũng theo bà Bích, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, điện năng có vai trò rất quan trọng. Để sản xuất ra cây hoa thương phẩm có chất lượng, tiêu tốn lượng điện năng khá lớn. Do vậy, muốn hạ được giá thành sản phẩm thì điện năng cũng là một bài toán. Gần đây, huyện Đan Phượng quan tâm xây dựng cho HTX trạm điện (bằng nguồn kinh phí xã hội hóa), giờ đây nguồn điện đã ổn nhưng giá thành còn cao.
Cùng với đó là khó khăn về đầu ra. Hiện, lan hồ điệp nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc về khá nhiều nên hoa của HTX rất khó cạnh tranh về giá.
“Giống sản xuất trong nước hiện chiếm một phần khá nhỏ và chất lượng cũng không tốt, phần lớn phải nhập khẩu. Các trung tâm nghiên cứu giống thì nghiên cứu không theo thị trường, khi nghiên cứu xong đã lỗi thời”, bà Bích ngán ngẩm.
Theo bà Bích, nhân sự trong nông nghiệp cũng là cả một vấn đề. Hiện nay, cán bộ có chuyên sâu về kỹ thuật rất thiếu, HTX phải thuê chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc.
Hy vọng, những khó khăn của HTX Đan Hoài sớm được các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ. Từ đó, kích thích nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nguyễn Hạnh - Phạm Hòa