HTX Rau quả sạch Chúc Sơn hiện đang hoạt động chuyên canh rau sạch trên một vùng rộng lớn với 17,8 ha đất trồng rau đạt chuẩn quản lý theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ áp dụng những mô hình tiên tiến, đổi mới, tiếp thu công nghệ vào hoạt động trồng trọt, tiêu thụ; đơn vị đã trở thành một trong những HTX đi đầu trong sản xuất, phân phối rau an toàn tại miền Bắc, đem đến thu nhập cao cho người nông dân.
Áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp
Đến với HTX rau quả sạch Chúc Sơn, có thể dễ dàng nhận thấy những vườn rau được trồng theo quy mô lớn với hệ thống nhà lưới, tưới tự động hiện đại; cùng với đó là nhà máy sơ chế, đóng gói với diện tích lên tới 500m2. Hiện mỗi ngày, HTX sẽ thực hiện thu mua, đóng gói và phân phối khoảng 2 tấn rau sạch đến tay người tiêu dùng.
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn - ông Hoàng Văn Thám cho biết, HTX của ông đã thành lập từ năm 2016, đến nay có 52 thành viên, từ khi đặt những bước đi đầu tiên, HTX đã xác định định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng trồng rau sạch, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ngoài đầu tư vào các hệ thống nhà lưới, nhà vòm, tưới tiêu tự động, nhà máy sơ chế, kho lạnh… hiện tại HTX còn bắt đầu triển khai áp dụng những công nghệ mang tính chuyển đổi số tiên tiến, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa việc sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ông Thám chia sẻ, hiện tại việc phát triển công nghệ số vào sản xuất của HTX có 2 nội dung chính đáng chú ý cả trong sản xuất và tiêu thụ. Đầu tiên, phải kể đến hệ thống trạm thời tiết thông minh, liên kết ứng dụng iMetos. Theo ông Thám, ứng dụng này sẽ đưa ra cảnh báo trực tiếp đến điện thoại thông minh của người sử dụng về các thông tin thời tiết như lượng mưa, lượng nắng, độ ẩm,... Nhờ vậy, giúp bà con nông dân có thể theo dõi tình hình, nhận biết được những nguy cơ thời tiết bất lợi, từ đó điều chỉnh lại thời vụ, lịch bón phân, phun thuốc sao cho hợp lý nhất, tránh cho cây trồng bị ảnh hưởng. Đây là ứng dụng rất hữu ích và thiết thực vì trồng rau củ quả vốn phải chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết.
Trong sản xuất gắn với tiêu thụ, HTX rau quả sạch Chúc Sơn cũng đang áp dụng một công nghệ rất tiên tiến, đang là xu hướng trên thị trường ngày càng chú trọng chất lượng sản phẩm như hiện nay, đó là hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nhờ sự tài trợ của công ty Sorimachi Nhật Bản, HTX đã bắt đầu thực hiện phát triển một hệ thống ứng dụng điện tử, cho phép truy xuất nguồn gốc từ mã QR in trên bao bì sản phẩm, tới tận thửa ruộng của bà con nông dân.
“Việc theo dõi, truy xuất nguồn gốc trên ứng dụng giúp minh bạch thông tin về loại rau, vị trí sản xuất loại rau đó với người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng chọn mua một sản phẩm, chỉ cần quét mã QR tem truy xuất in trên bao bì bọc bên ngoài thì thậm chí có thể đi theo hệ thống dẫn đường đến thẳng ruộng đã sản xuất ra rau đó mà không qua HTX, từ đó giúp đảm bảo, chứng tỏ sự công khai, uy tín của sản phẩm với người tiêu dùng.” ông Thám nói.
Không chỉ mang lại lợi ích cho người mua, ứng dụng trên được ông cho biết cũng có thể hỗ trợ người dân rất tốt trong việc lên kế hoạch sản xuất, điều chỉnh sản lượng, tính toán hiệu quả kinh tế của thửa ruộng nhờ vào việc theo dõi, thống kê tiêu thụ. Việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cũng giúp xây dựng thương hiệu, gia tăng uy tín cho chính vườn trồng của bà con trong HTX.
Từ khi áp dụng những công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất, HTX đã và đang thu về những kết quả rất khả quan. Hiện HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đang là đơn vị phân phối cho hệ thống Big C trên toàn miền Bắc, hệ thống bán lẻ Lotte,... các loại rau theo mùa cũng đi trực tiếp vào bếp ăn của nhiều hệ thống trường học, bệnh viện trên địa bàn. Sản xuất ngày càng phát triển, sản lượng năm 2023 dự kiến đạt tới 1.000 tấn rau, tăng khoảng 10% so với năm 2022, đem về doanh thu khoảng từ 18 - 20 tỷ đồng/năm. Thu nhập trung bình của thành viên sản xuất rau đạt khoảng 120 triệu đồng/hộ/ năm, hộ cao nhất có doanh thu trên 400 triệu đồng/năm, các thành viên đều tin tưởng vào HTX và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của HTX.
Hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ, tri thức mới
Ông Hoàng Văn Thám cho biết, trong quá trình phát triển HTX dù may mắn được chính quyền hỗ trợ; người dân nhiệt tình ủng hộ, hăng hái sản xuất; nhận được sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong công đoạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ban đầu, về đầu tư sử dụng công nghệ, HTX còn hạn chế về nguồn nhân lực có kinh nghiệm, tay nghề cao. “Thành viên của HTX chủ yếu là những người nông dân chân chất, ít tiếp xúc với khoa học, công nghệ nên ban đầu việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cao vào sản xuất gặp nhiều trở ngại; tích hợp công nghệ số vào sản xuất gắn với tiêu thụ cũng gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khi người dân không biết app (ứng dụng) là gì, thậm chí nhiều người còn đang sử dụng điện thoại “đen trắng”.” ông Thám chia sẻ.
Sản lượng năm 2023 của HTX dự kiến đạt tới 1.000 tấn rau, tăng khoảng 10% so với năm 2022, đem về doanh thu khoảng từ 18 - 20 tỷ đồng/năm. |
Nhận thức vấn đề quan trọng nhất cần tháo gỡ là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cho người dân. Giám đốc HTX - ông Thám cho biết, đã thường xuyên cử cán bộ đi đào tạo, bản thân ông cũng tham gia vào các chuyến công tác, học hỏi về các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển sau đó về truyền đạt lại với các thành viên. Bên cạnh đó, ông cũng chú trọng tuyển dụng thêm nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ, minh bạch về hoạt động của HTX, đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút, chiêu mộ những cá nhân đã được đào tạo, có kiến thức, năng lực để có thể về giúp đỡ bà con, đồng hành hỗ trợ HTX phát triển.
Đối với người dân, HTX cũng cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ lắp đặt các hệ thống kỹ thuật, chi tiền mua điện thoại thông minh cho bà con sử dụng và cử 3 kỹ sư nông nghiệp thường xuyên túc trực ngoài đồng để hướng dẫn hỗ trợ bà con tiếp cận công nghệ cao, học hỏi phương pháp mới. Bên cạnh đó, HTX cũng tăng cường liên kết với các tổ chức quốc tế như công ty Sorimachi Nhật Bản, Rikolto,… và các tổ chức trong nước để tham gia các lớp đào tạo người nông dân, hỗ trợ kiến thức cho người lao động để từ đó từng bước phát triển hệ thống, tăng chất lượng, tạo tiền đề phát triển bền vững.
Định hướng cho tương lai
Chia sẻ về những dự định sắp tới, ông Thám cho biết sẽ nỗ lực để tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, kết nạp thêm thành viên tham gia vì hiện tại HTX mới chỉ quản lý 17,8 ha trong khi địa bàn có tới 65 ha rau màu.
Về công nghệ, HTX sẽ đầu tư chú trọng hơn nữa trong phát triển các hệ thống cơ sở vật chất nhà lưới, nhà màng, nhà máy sơ chế… hiện đại, tiên tiến, chất lượng hơn để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, là tích cực học hỏi, tiếp thu, vận dụng khoa học, đưa tri thức về với đồng ruộng để hỗ trợ người nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ cao. Từ đó, đưa HTX ngày càng tiến đến mô hình nông nghiệp 4.0 bền vững đang là xu hướng phát triển chung tất yếu của thế giới.
Đặc biệt, với kế hoạch mở rộng hơn nữa thị trường, nâng cao thương hiệu, giúp thêm nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm của HTX, ông Thám dự định sẽ phát triển thêm một số Phòng, ban thực hiện nhiệm vụ truyền thông tại HTX để hỗ trợ thông tin đến người tiêu dùng. “Hiện tại, chúng tôi đang mở thêm ban Marketing, tuyển dụng các bạn trẻ về để xây dựng chương trình, làm quảng bá cho thương hiệu HTX rau quả sạch Chúc Sơn. Bên cạnh đó, HTX cũng có dự định hướng đến phát triển hình thức thương mại điện tử để có thể đưa sản phẩm của mình đến với rộng rãi người tiêu dùng trên khắp cả nước.” ông Thám cho biết.
Những hoạt động trên đang trong quá trình triển khai rất tích cực với hy vọng sẽ giúp phát triển hoạt động của HTX, tăng tiêu thụ, tăng doanh thu, lợi nhuận cho tập thể, mở rộng quy mô sản xuất và góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, nông dân trên địa bàn.
Bích Tâm - Phạm Hòa