Tổ hợp tác (THT) Mỹ Tiến có 16 thành viên, phát triển mô hình trồng hoa, cây cảnh có quy hơn 2,5 ha. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, THT hiện có doanh thu bình quân 1,6 - 1,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 1,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 40 - 50 lao động địa phương.
Liên kết sản xuất
Để hoạt động hiệu quả, THT đã xây dựng quy chế hoạt động, hợp đồng hợp tác, quy định mức đóng góp cho mỗi thành viên, đồng thời, duy trì nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên THT được trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ KH-KT, hỗ trợ nhau về giống, vốn, đầu ra cho sản phẩm.
Anh Bùi Quốc Huy - Tổ trưởng THT, cho biết: “Nam Phong là xã ngoại thành ở phía nam Tp.Nam Định, có truyền thống nhiều đời trồng hoa, cây cảnh, tuy nhiên, các mô hình trồng hoa nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, giá cả bấp bênh”.
Trước đòi hỏi của thị trường và nhu cầu phát triển sản xuất của người trồng hoa trên địa bàn, năm 2015, THT Mỹ Tiến được thành lập, với mục tiêu phát triển vùng trồng hoa tập trung trên quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, nâng cao hiệu quả và bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) trong sản xuất.
Với kế hoạch phát triển rõ ràng, tính khả thi cao, mô hình trồng hoa của THT được Hội Nông dân tỉnh Nam Định hỗ trợ nguồn vốn hơn 500 triệu đồng, đồng thời, tạo điều kiện cho thành viên THT tham gia nhiều khóa tập huấn, đào tạo về KH-KT.
Phát triển mô hình trồng hoa từ năm 2015, anh Trần Đình Hiếu - thành viên THT, chia sẻ: “Trước khi có THT, người trồng hoa trên địa bàn “mạnh ai nấy làm”, việc sản xuất đã khó, việc tiêu thụ còn khó hơn. Chất lượng hoa thấp, tư thương ép giá, khiến tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra”.
Sự ra đời của THT như một “làn gió mới” thổi vào quá trình sản xuất của người dân Nam Phong. Không chỉ được chuyển giao KH-KT, thành viên THT còn được tập huấn, nắm chắc quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm quá trình sản xuất phát huy hiệu quả và an toàn cao nhất.
Mô hình trồng hoa cho doanh thu 1,4 tỷ đồng/năm |
Giá trị vượt trội
Phương thức sản xuất giàu khoa học giúp hiệu quả các mô hình trồng hoa của THT liên tục được nâng lên. “Hiện nhà tôi đang phát triển hơn 10 sào (1 sào tương đương 360m2) đất trồng hoa và 6 sào đất trồng cây cảnh, doanh thu bình quân 500 - 600 triệu đồng/năm”, thành viên Trần Đình Hiếu chia sẻ.
Dưới sự hỗ trợ của THT, phương thức sản xuất mới được áp dụng, chất lượng hoa của các hộ thành viên ngày càng được nâng lên, thị trường ngày càng được mở rộng. Hiện tại, các sản phẩm hoa của HTX đang có mặt tại nhiều tỉnh thành như Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình…
Không chỉ tạo ra sức bật về kinh tế, sự ra đời của THT Mỹ Tiến còn đem lại những thay đổi lớn về ý thức trong sản xuất, bảo đảm ATLĐ và bảo vệ môi trường.
Sản xuất trên quy mô lớn khiến THT phải tăng cường các loại máy móc, phương tiện hiện đại. Để bảo đảm sản xuất an toàn, thành viên THT được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ năng sử dụng máy móc, nâng cao ý thức về ATLĐ.
Để giải quyết “bài toán” về môi trường, THT tổ chức giám sát chặt chẽ các hoạt động phun thuốc, sử dụng phân bón của từng hộ thành viên, trong đó, thực hiện nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lượng, đúng thời gian, đúng cách”, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho thành viên.
Tổ trưởng Bùi Quốc Huy cho biết: “Người dân Nam Phong vốn có nhiều kinh nghiệm trong trồng hoa, cây cảnh, vì vậy, sự bổ sung về KH-KT và quy trình sản xuất an toàn trở thành “điều kiện đủ” để người trồng hoa tạo nên những đột phá trong sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế”.
Những kết quả khả quan của THT Mỹ Tiến cho thấy mô hình liên kết trồng hoa là hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng tại nhiều địa phương có thế mạnh về trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Hưng Nguyên