HTX Lễ Môn đang sản xuất 5ha dưa hấu, thu hút 35 hộ tham gia. Trong quá trình sản xuất, HTX phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông theo sát bà con trong tất cả các khâu, từ làm đất, ủ giống cho đến bón phân, chăm sóc.
Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường
Biến đổi khí hậu khiến việc canh tác lúa không hiệu quả do thường xuyên bị thiếu nước, các thành viên HTX Lễ Môn đã chuyển sang trồng dưa hấu bằng kỹ thuật phủ bạt.
Nhờ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bón cân đối tỷ lệ NPK, đồng thời phun bổ sung phân bón lá sinh học đa dinh dưỡng phù hợp theo từng thời kỳ sinh trưởng nên sản phẩm bảo đảm an toàn trước khi thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái.
Ngoài ra, HTX còn bón phân chuồng ủ với chế phẩm Trichoderma, kết hợp bón lót phân hữu cơ vi sinh, giúp đất tơi xốp hơn, đồng thời hạn chế được một số đối tượng nấm bệnh trong đất, cây dưa hấu phát triển khỏe hơn.
Trước đây, trồng dưa hấu thông thường mỗi vụ phải phun thuốc hóa học khoảng 8 lần, nhưng nay với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thành viên HTX chỉ phải phun thuốc 4 lần, các loại thuốc chủ yếu là các chế phẩm vi sinh và sinh học. Bên cạnh đó, các thành viên còn sử dụng hỗn hợp tự chế gồm tỏi, hành, gừng, rượu phun trên dưa hấu để xua đuổi sâu hại.
Theo Ban giám đốc HTX, công tác chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh được thực hiện tốt, đúng theo quy trình ngành nông nghiệp hướng dẫn, nên các giai đoạn ra hoa, kết trái diễn ra thuận lợi.
Đây là điều kiện để người dân ít phải sử dụng phân, thuốc hóa học, vừa bảo đảm được chất lượng sản phẩm vừa hạn chế ô nhiễm môi trường. Dưa hấu do HTX trồng được người tiêu dùng đánh giá có vị ngọt thanh hơn vùng khác.
Mô hình sản xuất của HTX nhận được sự quan tâm của các cấp ngành. |
Hiện, HTX được ngành chức năng hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên đầu ra dễ dàng hơn. Trung bình, mỗi ha cho thu hoạch 20 tấn.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, mô hình sản xuất dưa hấu trên đất lúa thiếu nước của HTX Lễ Môn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất từ trước đến nay so với các cây trồng khác như lúa, đậu xanh.
Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật phủ màng nilon trên luống giúp hạn chế được côn trùng phá hại, hạn chế cỏ dại mọc, từ đó tạo được môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Dù trong mùa mưa nhưng lá dưa không bị đất cát dính làm lây lan mầm nấm bệnh. Phương pháp này cũng giảm thiểu được công lao động tưới nước, tránh bốc thoát hơi nước, phân bón, không bị xói mòn đất, trôi phân trong mùa mưa.
Mở rộng sản xuất
Dưa hấu Lễ Môn được tiêu thụ trên thị trường nội tỉnh và có mặt tại các siêu thị ở Quảng Bình, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước
Nhằm hỗ trợ HTX nâng cao năng suất, chất lượng, UBND xã đã liên kết với Trung tâm Khuyến nông tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc. Ngoài ra, các thành viên còn tham gia nhiều cuộc hội thảo đầu bờ để nâng cao kiến thức về canh tác.
Hiện, các thành viên tập trung trồng giống dưa Vinh Nông và Đại Địa cho quả to (mỗi quả có trọng lượng 2,5- 4kg), dài, màu xanh đậm, nhiều nước và ngọt dịu.
Các thành viên thu hoạch dưa hấu, sau đó được HTX hỗ trợ tiêu thụ. |
Trung bình 1 sào dưa hấu, người dân có thể lãi từ 5-7 triệu đồng, trong khi nếu trồng lúa thì chỉ đạt chưa đến 1 triệu đồng. Vì công chăm bón ít, không phải dùng thuốc trừ sâu hóa học mà quả vẫn nhiều, lại được giá nên hiện nay, nhiều hộ dân đang tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa thiếu hiệu quả sang trồng dưa hấu trái vụ và tham gia HTX để thuận lợi đầu ra. Đây cũng là hướng đi thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đưa hoạt động sản xuất phát triển bền vững.
Để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng dưa hấu theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND xã đang hỗ trợ cho người dân mỗi sào 100.000 đồng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích người dân trồng dưa hấu trái vụ và chuyển đổi cây trồng phù hợp, nhằm tăng hiệu quả canh tác trên cùng một đơn vị diện tích.
“Đây là hướng đi tất yếu, cần được quảng bá, nhân rộng, bởi mô hình có nhiều ưu việt như sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh ngoài việc giúp phòng trừ sâu bệnh còn có tác dụng cải tạo đất, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Trần Văn Bình, thành viên HTX chia sẻ.
Huyền Trang