Để nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, đưa cây trồng này thành nông sản chủ lực phát triển kinh tế địa phương, đồng thời gây dựng thương hiệu Chè xanh Làng Bát, Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với UBND huyện Hàm Yên và Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn bà con tại thôn Làng Bát chuyển đổi sang trồng và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bảo đảm an toàn lao động
Tổ hợp tác sản xuất Chè xanh Làng Bát xã Tân Thành được thành lập và đi vào hoạt động, chuyển đổi từ trồng và chế biến chè từ phương pháp truyền thống sang trồng và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ 16 hộ dân tham gia ban đầu với diện tích 5ha, đến nay số thành viên đã tăng lên 40 hộ với diện tích được chứng nhận VietGAP tăng lên 17,6ha.
Cán bộ huyện Hàm Yên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè VietGAP cho người người dân (Ảnh: Tư liệu) |
Sản xuất theo quy trình VietGAP, các thành viên của Tổ hợp tác đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ). Ông Phạm Văn Luận (thôn Làng Bát) là một trong những hộ trồng và chế biến chè lâu năm. Trước đây, khi áp dụng hình thức canh tác và sản xuất chè theo phương thức cổ truyền, năng suất chè của gia đình không cao, việc chế biến chè theo phương thức cũ chưa hợp lý nên không những ảnh hưởng đến chất lượng chè thành phẩm mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người sản xuất.
Từ khi chuyển sang trồng chè VietGAP, ông đã áp dụng các biện pháp chăm sóc, sản xuất hiệu quả, chú trọng chăm sóc, phát triển chè theo hướng hàng hóa đi đôi với việc tuân thủ các quy trình sản xuất, đảm bảo ATLĐ.
Theo đó, gia đình ông tiến hành trồng cây bóng mát với loại thích hợp và có mật độ hợp lý đảm bảo độ ẩm trên nương chè. Khi chè bị sâu bệnh, ông chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học để bảo đảm ATLĐ, duy trì tập đoàn thiên địch có ích, cân bằng sinh thái nương chè.
Qua một năm áp dụng chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng. Đặc biệt, cơ sở sản xuất chè của ông Luận đã được Dự án đầu tư nhà xưởng, thiết bị sao sấy, máy hút chân không... nên hiệu quả kinh tế rất cao. Hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất chè của gia đình ông cung ứng ra thị trường 80kg chè búp khô.
Vùng trồng chè ở Hàm Yên (Ảnh: TL) |
Việc đầu tư trồng chè VietGAP thay cho phương pháp truyền thống đã giúp nâng cao cả sản lượng lẫn giá bán. Mặc dù chi phí có tăng nhưng lợi nhuận từ VietGAP đối với các hộ vẫn rất lớn. Cụ thể, đối với 1 ha chè, sản lượng tăng từ 2.400 kg/ha đến 2.520kg/ha. Chi phí đầu vào tăng từ 172,2 triệu đồng/ha lên 175 triệu đồng/ha, giá bán tăng từ 80.000 đồng/kg chè khô lên 160.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng từ 69,7 triệu đồng/ha lên 127 triệu đồng/ha.
Hướng phát triển kinh tế bền vững
Nhờ áp dụng và thực hiện tốt quy trình sản xuất VietGAP, sản lượng chè búp tươi của Tổ hợp tác Làng Bát tăng lên 1,5-2 lần. Giá thu mua chè tươi tại vườn luôn ổn định ở mức 10.000 - 12.000 đồng/kg chè búp tươi. Cùng với đầu tư sản xuất, Tổ hợp tác đã được hỗ trợ các thiết bị sao sấy, máy hút chân không, xây dựng thiết kế tem, nhãn, đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... để nâng cao chất lượng chè khô, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các hộ trồng chè.
Hiện nay, sản phẩm chè Làng Bát được tiêu thụ chủ yếu trong nước, trong đó khoảng 30% tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, 60% bán tại thị trường Hà Nội và phần còn lại đã theo chân thương lái vào tới thị trường miền Trung và miền Nam. Chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên không chỉ giúp người tiêu dùng quan tâm hơn đến sản phẩm mà còn nâng cao tính cạnh tranh của chè Tuyên Quang.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, việc Tổ hợp tác hướng người dân tham gia sản xuất chè an toàn theo VietGAP hiện là hướng đi tích cực nhằm đưa cây công nghiệp chè trở thành cây trồng mũi nhọn ở huyện Hàm Yên. Cùng với đó, việc áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chè an toàn đã thực sự giúp người dân thay đổi hình thức canh tác truyền thống, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, bảo đảm ATLĐ và là cơ hội để người dân phát triển kinh tế bền vững.
Tiến Minh