Quế đang trở thành cây kinh tế chủ lực tại Văn Yên nhờ sản xuất hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường |
Phát huy thế mạnh địa phương
Huyện Văn Yên hiện có gần 50.000 ha diện tích đất trồng quế. Những năm qua, với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, cây quế đang trở thành một trong những loại cây kinh tế chủ lực trên địa bàn huyện Văn Yên, mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường.
Xuân Ái đang là một trong những xã điển hình trong xây dựng sản phẩm quế hữu cơ. Toàn xã có hơn 1.000 ha quế, tập trung nhiều tại thôn Đoàn Kết, Ngòi Viễn, hầu hết thu nhập của người dân trong xã đều từ cây quế.
Sở hữu diện tích hơn 5 ha quế, ông Trần Văn Bàng (thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái) cho biết: “Những năm gần đây, cây quế có giá trị kinh tế cao bởi các hộ gia đình trồng quế phát triển theo hướng hữu cơ, giúp nâng cao tỷ lệ lượng tinh dầu quế, cây quế có thể tận dụng bán được từ vỏ đến thân, lá”.
Theo ông Bàng, từ nhiều năm nay, gia đình ông và hầu hết các hộ trồng quế tại thôn Đoàn Kết, xã Xuân Ái đã không còn phun thuốc trừ cỏ cho quế, thay vào đó là tiến hành phát cỏ bằng máy, các công đoạn chăm sóc cũng đảm bảo không còn hóa chất độc hại.
Sự thay đổi về phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang trồng trọt hữu cơ không chỉ giúp năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm quế tại Văn Yên tăng mạnh, mà còn giúp địa phương giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Đảm bảo quy trình sản xuất sạch, cây quế trồng từ 4-6 năm bắt đầu cho khai thác tỉa thưa, mỗi năm có 2 vụ khai thác, vụ tháng 3 và vụ tháng 8. Bình quân mỗi kg vỏ quế khô có giá 60.000-70.000 đồng.
Nhờ sản xuất sạch, chất lượng quế tại Văn Yên ngày càng tăng, sức cạnh tranh được nâng cao |
Mở rộng theo hướng hữu cơ
Cây quế đang cho lợi ích kinh tế vượt trội. Bình quân mỗi năm, huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, sản lượng cành lá quế khoảng 63.000 tấn/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm, sản lượng gỗ quế gần 51.000 m3/năm.
Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm trên 700 tỷ đồng. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Ông Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: “Với giá trị kinh tế vượt trội, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển vùng quế, đặc biệt mở rộng vùng quế hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên”.
Đến nay, toàn huyện có 200 ha quế hữu cơ, để đạt chuẩn quế hữu cơ, người dân phải trồng, chăm sóc hướng đến sự bền vững, tăng cường độ phì nhiêu của đất và đa dạng sinh học; không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh tổng hợp, phân bón tổng hợp…
Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, vận động người dân trồng quế theo vùng quy hoạch, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tích cực khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp.
Mộc Miên