Sông Mã đang là một trong những địa phương đi đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La trong việc thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, toàn huyện có trên 10.700 ha cây ăn quả các loại.
Điểm sáng Sông Mã
Những năm qua, để nâng cao hiệu quả cây ăn trái, huyện Sông Mã đã chủ động rà soát, xác định nhóm cây trồng chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển.
Đặc biệt, huyện tập trung khuyến khích các HTX, nông dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi tư duy từ làm nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật.
![]() |
Cây ăn trái đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân ở Sơn La (Ảnh: BSL). |
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, huyện hỗ trợ nhiều tỷ đồng để hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, nông dân tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP và hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Từ đó, cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm nông sản Sông Mã.
Như tại HTX dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương đã đầu tư hệ thống tưới nước vảy gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, HTX có 5 ha nhãn T6 và 10 ha nhãn miền. Vụ nhãn năm 2023, HTX thu 75 tấn nhãn chín sớm, 200 tấn nhãn chính vụ, giá bình quân 10-30 nghìn đồng/kg.
Ông Bùi Văn Hậu, Giám đốc HTX, cho hay những năm qua HTX tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm. Theo tính toán, vụ nhãn năm 2023, HTX thu hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
Với những thành công đang có, huyện Sông Mã đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tăng lên 11.000 ha, sản lượng 80.000 tấn; 1.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; 1.000 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và 1.000 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; 300-500 ha nhãn sản xuất trái vụ; có 20-25 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 5% tổng diện tích cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%...
Nhân rộng các cây trồng mũi nhọn
Cùng với Sông Mã, nhiều địa phương ở Sơn La cũng đang tích cực phát huy thế mạnh từ cây ăn trái trên đất dốc. Điển hình như tại Quỳnh Nhai, nông dân trong huyện đang thu lợi lớn từ cây dứa Queen.
Gần 2 năm qua, gia đình anh Hoàng Văn Bình, xã Chiềng Ơn, chuyển đổi 100% diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng dứa Queen xen canh với cây xoài theo hướng VietGAP, sau đó bán sản phẩm cho HTX Nông nghiệp Huổi Ná, bình quân mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
“Nhờ mạnh dạn chuyển đổi theo phương thức sản xuất mới, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, gia đình anh đang có 1,2 ha cây ăn quả, với cây dứa Queen là chủ lực, đồng thời nuôi 3 con bò và hơn 2 ha ngô, sắn. Thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng”, anh Bình hồ hởi nói.
![]() |
Sơn La sẽ tiếp tục nhân rộng các cây trồng như nhãn, xoài, cà phê, dứa... (Ảnh: BSL). |
Bên cạnh xã Chiềng Ơn, mô hình trồng dứa Queen đang lan tỏa khắp các địa phương huyện Quỳnh Nhai. Gần 3 năm qua, huyện đã chỉ đạo các xã Mường Sại, Mường Giàng, Mường Giôn và Chiềng Ơn đăng ký tham gia thực hiện thí điểm trồng 105,3ha dứa nguyên liệu xen cây xoài.
Để nâng cao hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với các HTX, doanh nghiệp khảo sát vùng trồng, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ dân về quy trình trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.
Có thể thấy, cây ăn quả chính là một trong những mũi nhọn xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân ở Sơn La. Do đó, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã liên tục hình thành và nhân rộng các cây trồng chủ lực, ngoài cây nhãn ở Sông Mã, cây dứa ở Quỳnh Nhai, còn có thể kể đến cây cà phê, cây nho hạ đen... đang được nhiều địa phương phát triển, cho hiệu quả cao.
Như cây cà phê, sau hơn 30 năm phát triển, Sơn La hiện là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 20.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Trong đó có trên 16.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương; 2 vùng trồng cà phê được UBND tỉnh công nhận vùng trồng ứng dụng công nghệ cao.
Từ cây xóa đói giảm nghèo, cà phê giờ đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Sơn La. Nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao từng bước chinh phục các thị trường khó tính, góp phần khẳng định hình ảnh, thương hiệu cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới.
Thúc đẩy giảm nghèo bền vững
Hiệu quả của mô hình trồng cây ăn trái đang giúp các địa phương ở tỉnh Sơn giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Với sự quyết tâm bằng cách triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án kết hợp với những giải pháp, cách làm sáng tạo, tỉnh Sơn La đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm qua từng năm.
Năm 2023 dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 17,83% năm 2022 xuống còn 14,83, đạt chỉ tiêu giảm nghèo bình quân 3%/năm theo kế hoạch. Cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh được nâng lên đáng kể.
Bên cạnh thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy thế mạnh trồng cây ăn trái, để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo, đồng thời bố trí ngân sách để hỗ trợ các địa phương, hộ gia đình tham gia chương trình, dự án trong phát triển kinh tế.
Đặc biệt, tỉnh tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa ước đến hết năm 2023, đạt 97,5%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa ước đến hết năm 2023, đạt 73,1%; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Lệ Chi