Cách đây 3 năm, HTX Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp được tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Sóc Trăng để mua con giống, thuốc, thức ăn thủy sản...
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, chỉ một năm sau, HTX đã có lợi nhuận gần 400 triệu đồng, giảm dư nợ gốc đáng kể. Từ khi được giải quyết khó khăn về vốn, trong năm 2023, HTX Thủy sản Toàn Thắng đã mở rộng quy mô sản xuất, giúp các thành viên tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
![]() |
HTX Toàn Thắng sử dụng vốn vay hiệu quả để mua con giống, thuốc, thức ăn thủy sản..., qua đó giúp các thành viên tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. |
Đến nay, HTX Thủy sản Toàn Thắng có 70 thành viên, hoạt động chính là nuôi tôm và dịch vụ cung ứng con giống, thuốc, thức ăn thủy sản. Việc sử dụng vốn vay HTX được đánh giá là đúng mục đích theo phương án vay, nhất là trong việc mua con giống, thuốc, thức ăn thủy sản...
Dù trải qua không ít khó khăn sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng HTX đã năng động nhạy bén trong sản xuất và kinh doanh, tìm kiếm các doanh nghiệp để liên kết các dịch vụ giống, thuốc, thức ăn thủy sản từ đầu vào cho đến đầu ra để duy trì hoạt động tốt và hiệu quả.
Thời gian tới, HTX Thủy sản Toàn Thắng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản để giải quyết việc làm cho lao động là thành viên để họ hạn chế phải đi làm ăn xa, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Có thể nói, từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều HTX trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Như HTX Nông sản hữu cơ Samaki ở xã Vĩnh Hải do mới thành lập cách đây không lâu, còn gặp nhiều khó khăn nên HTX rất cần nguồn vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Sau khi được hỗ trợ vay vốn, HTX mạnh dạn đầu tư mua giống hành tím, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao tiêu nông sản cho thành viên.
Mô hình trồng hành tím theo hướng hữu cơ đạt năng suất cao của HTX này được đánh giá có nhiều triển vọng, hiện được nhiều người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, HTX có 21 thành viên với diện tích canh tác hành tím 12ha, cho sản lượng từ 450 – 500 tấn/năm.
Tạo sinh kế cho phụ nữ địa phương
HTX Samaki đang cần liên kết đầu ra một cách ổn định. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục triển khai sản xuất hành tím theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận OCOP và chứng nhận mã vùng trồng, đa dạng hóa mẫu mã, quy cách theo yêu cầu của đối tác và khách hàng.
![]() |
Tham gia vào những buổi tập huấn giúp cho thành viên các HTX, tổ hợp tác ở Vĩnh Châu nâng cao kỹ thuật canh tác sản xuất nông nghiệp |
Bên cạnh đó, một khi có nguồn tài chính mạnh, HTX Samaki sẽ xây dựng hệ thống kho bảo quản sau thu hoạch để dự trữ hành tím, đảm bảo nguồn cung ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hành tím, để từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Ngoài sự trợ lực từ nguồn vốn vay cho các HTX như vậy cũng cần nhắc đến việc hỗ trợ, tạo sinh kế cho phụ nữ địa phương ở Vĩnh Châu tham gia vào hoạt động kinh tế hợp tác để thoát nghèo.
Đơn cử như Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã hỗ trợ cho 40 thành viên của Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu) triển khai mô hình nuôi cua biển. Các thành viên tổ hợp tác này còn nhận được sự hướng dẫn về kỹ thuật nuôi của đơn vị “đỡ đầu” là HTX Thủy sản Toàn Thắng.
Theo đó, ICAFIS sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng cho thành viên mua cua giống và WWF hỗ trợ 20 triệu cho kinh phí điều hành hoạt động tổ hợp tác, thông qua đại diện là HTX Thủy sản Toàn Thắng.
Hiện, tổng diện tích ao nuôi cua của Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp là 125ha, trong đó mỗi thành viên có ít nhất là 1 ao nuôi, diện tích 3.000m2. Mỗi vụ cua từ lúc thả con giống đến thu hoạch khoảng 4 tháng, sau khi trừ chi phí, các thành viên thu lợi nhuận từ trên 5 triệu đồng đến hơn 30 triệu đồng, không có thành viên nào bị thua lỗ
Nhiều thành viên cho biết rất phấn khởi khi thu về lợi nhuận gần 40 triệu đồng từ việc bán cua thương phẩm. Theo bà Lý Thị Ngọc Yến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Phụ nữ mô hình kinh tế phụ xã Vĩnh Hiệp, hoạt động của Tổ hợp tác là nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ địa phương học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.
Tổ hợp tác này chọn mô hình nuôi cua biển là do nghề nuôi thủy sản vốn là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế tập thể ở xã Vĩnh Hiệp. Với lợi thế các ao thả có sẵn tại nhà, thành viên không phải bỏ vốn xây dựng ao nuôi, có thể tận dụng cá tự nhiên ở các ao tôm làm thức ăn cho cua, giảm được chi phí. Có thành viên trước đó đã từng nuôi thử nghiệm, từ hiểu biết ban đầu lại được các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật nuôi, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức nên càng thuận lợi.
Cần chuỗi liên kết bền vững
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ như trên, ngành nông nghiệp thị xã Vĩnh Châu và Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng cũng thường xuyên tổ chức những đợt tập huấn cho các HTX trong sản xuất nông nghiệp.
![]() |
Là “xứ sở hành tím” nên thị xã Vĩnh Châu rất cần chuỗi liên kết bền vững với vai trò quan trọng của các HTX để giúp nông dân thoát nghèo. |
Như hồi tháng 10/2023, Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức chương trình tập huấn mô hình kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị, giảm thiểu chất thải, phát triển kinh tế tuần hoàn và bàn giao sản phẩm hỗ trợ cho cho đồng bào dân tộc thiểu số là thành viên HTX Rau màu Hòa Thành tại xã Lạc Hòa.
Qua đó, đã cung cấp kiến thức về công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên HTX, hướng dẫn phương pháp sản xuất phân compost từ chất thải công nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế liên kết theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Châu được tiếp cận giống vật nuôi, cây trồng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Lý Vết, Giám đốc HTX Rau màu Hòa Thành phấn khởi cho biết: "Nhờ tham gia tập huấn nên diện tích canh tác hành tím của các thành viên đạt năng suất tốt, chất lượng cao. Thương lái vô thu mua cũng nhiều. Hành vừa nhổ lên thấy tốt là thương lái đặt cọc rồi. Mình phơi khô khoảng 10 đến 15 ngày là giao hàng, bán rất nhanh. Giờ không sợ ùn ứ kéo dài như lúc trước nữa".
Nói đến thị xã Vĩnh Châu cũng không thể không nhắc nơi đây được mệnh danh là “xứ sở hành tím”. Hành tím là cây màu chủ lực đã mang lại cuộc sống ổn định cho bà con vùng đất này. Vừa qua, sản phẩm hành tím đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sự khẳng định này đã góp phần nâng tầm giá trị cho hành tím Vĩnh Châu.
Tuy vậy, có những thời điểm, hành tím Vĩnh Châu đã và đang gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Cho nên, theo giới chuyên gia, để đời sống nông dân trồng hành tím trên vùng đất này không phải đối mặt tình cảnh bấp bênh vì đầu ra không ổn định thì đòi hỏi họ cần tham gia vào chuỗi liên kết cùng các HTX một cách thật sự bền vững.
Nhất là cần trợ lực cho các HTX sản xuất kinh doanh hành tím đầu tư vào khâu hậu cần. Bởi lẽ, thời gian lưu trữ củ hành sẽ khó được kéo dài vì HTX còn thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu.
Nhìn chung, trên bước đường giảm nghèo cho người dân ở Vĩnh Châu sẽ không thể thiếu vai trò của các HTX, tổ hợp tác. Đặc biệt là trong thời gian qua, hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác đã phần nào giúp cho vùng quê này kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn thị xã có 1.147 hộ thoát nghèo (đạt 143,38% chỉ tiêu), hiện còn lại 1.618 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,82%) và còn 4.950 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 11,70%).
Để tiếp tục góp phần kéo giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo, các HTX, tổ hợp tác ở Vĩnh Châu rất cần thêm những trợ lực có tính thiết thực, mang lại hiệu quả cao hơn nữa, có chuỗi liên kết bền vững trong thời gian tới.
Thanh Loan