Ở xã Đắk Nhau có HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh với mô hình liên kết làm nông sản sạch giúp bà con dân tộc thiểu số ở đây thoát nghèo bền vững.
Hiệu quả trồng điều hữu cơ ở Đắk Nhau
HTX này hiện có 250 thành viên, diện tích vườn cây 820 ha và vẫn tiếp tục tăng. Điều đặc biệt, 80% thành viên của HTX là đồng bào dân tộc thiểu số, với nhiều diện tích điều già cỗi chưa được đầu tư cải tạo.
Hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn điều hữu cơ giúp nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số là thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh. |
Chính vì vậy, khi HTX tham gia vào chuỗi liên kết với doanh nghiệp, các thành viên là bà con dân tộc thiểu số được sự hỗ trợ từ khâu chăm sóc đến thu mua, chế biến. Trong đó, sự hỗ trợ nguồn lực về phân bón, kỹ thuật đã giúp cho người trồng tăng năng suất, sản lượng, từng bước cải thiện thu nhập.
Ông Điểu Tân, người dân tộc S’tiêng ở thôn Đăng Lang, cho biết từ khi tham gia HTX đã giúp ông có được sự hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi thu hoạch điều, HTX và doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg.
Một thành viên khác là ông Điểu Thanh, người dân tộc S’tiêng ở thôn Đắk La, cho biết trước đây, bà con cứ để cây điều tự phát triển, tự cho trái. Đến mùa thu hoạch, bà con dùng thùng phuy hoặc khúc gỗ lăn qua, lăn lại cho cỏ rạp xuống để nhặt trái. Bây giờ, HTX tập huấn, hỗ trợ phân bón, máy cắt cỏ nên việc chăm sóc, thu hoạch điều thuận lợi hơn trước nhiều. HTX còn thu mua điều cho bà con với giá cao hơn thị trường nên bà con "ưng cái bụng lắm".
Quy trình sản xuất, chế biến hạt điều theo chuẩn hữu cơ luôn được HTX Đồng Xanh ưu tiên hàng đầu. HTX đã xây dựng hồ sơ dự án, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều và Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước hỗ trợ phân hữu cơ và cây điều giống cho các thành viên để đạt chứng nhận hữu cơ.
Từ 3 năm trước, HTX thuê Tổ chức Control Union đánh giá, cấp chứng nhận cho 140 hộ dân với 500 ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USDA/EU/JAS. Từ đó, HTX đã ký kết bán khoảng 1.900 tấn điều hữu cơ cho Công ty Organics More, mang lại lợi nhuận cho các thành viên hơn 2,8 tỷ đồng.
Cách đây 2 năm, HTX Đồng Xanh đã được chứng nhận OCOP 3 sao với sản phẩm hạt điều rang muối truyền thống. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất, đưa đến người tiêu dùng hơn 1 tấn hạt điều nhân thành phẩm.
Thu nhập ngày càng tăng lên
Không chỉ tập trung sản xuất nâng cao chất lượng cây điều, HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh còn mở rộng thêm khoảng 32 ha sầu riêng theo hướng canh tác hữu cơ. Các thành viên HTX được hỗ trợ kinh phí phân bón, giá thu mua nông sản và còn được tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác hữu cơ, vừa tiết giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao chất lượng nông sản.
Tham gia cùng các HTX sản xuất điều hữu cơ giúp nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Bù Đăng thoát nghèo bền vững. |
Nhiều thành viên HTX Đồng Xanh là đồng bào thiểu số cho biết nhờ sự hướng dẫn của HTX trong việc nhân sinh khối các chế phẩm vi sinh để tưới vườn cây giúp gia đình họ giảm chi phí đầu tư hơn 30%, cây trồng phát triển bền vững, chất lượng nông sản được thương lái đánh giá rất cao.
Có thể nói, nhờ có sự tham gia của HTX với nhiều cách làm hay, linh hoạt đã và đang giúp người dân và bà con dân tộc thiểu số ở xã Đắk Nhau giảm nghèo bền vững.
Như chia sẻ của anh Điểu SRức, người dân tộc S’tiêng ở thôn Đắk Úy, tham gia HTX, gia đình anh được hỗ trợ đầu tư cải tạo vườn, xây dựng mô hình xen canh nhiều loại cây trồng để tăng thu nhập. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc nên hơn 1,3 ha vườn trồng điều xen cà phê và tiêu mang lại nguồn thu hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ ở xã Đắk Nhau, ở các xã khác của huyện Bù Đăng, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và phát triển liên kết chuỗi giá trị nông sản thông qua cầu nối của các HTX nên nhiều bà con dân tộc thiểu số ngày càng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững để từ đó thoát nghèo bền vững.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch ở xã Đồng Nai đã liên kết với các đối tác như Công ty Taget, Công ty Lafaco và Công ty Mismits. Qua đó, các đối tác đã hướng dẫn kỹ thuật và thu mua tất cả các sản phẩm điều hữu cơ của các thành viên. Nhờ vậy, HTX cũng nâng cao chất lượng hạt điều của mình và nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số.
Giám đốc HTX này là chị Thị Khưi, một người con của dân tộc M’Nông. Chị cho biết trong năm tới, HTX đã liên hệ một công ty Nhật Bản thu mua trái điều cho các thành viên nếu sản xuất đạt sản lượng điều hữu cơ theo yêu cầu của công ty.
Là một thành viên người dân tộc thiểu số của HTX, ông Điểu Ma Rút A, trú tại thôn 5 xã Đồng Nai, chia sẻ, trước đây trồng điều theo kiểu cho trái tự nhiên, có bao nhiêu thì lượm bấy nhiêu, khồng quan tâm chăm sóc. Còn từ khi tham gia HTX, bản thân ông đã được hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán điều, bỏ phân thì điều mới được năng suất. Không chỉ vậy, khi thu hoạch lại được mua với giá tốt nên thu nhập cũng tăng theo.
“Trao cần câu chứ không trao xâu cá”
Dù chỉ thành lập cách đây khoảng 1 năm, nhưng đến nay, HTX Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch đã thu hút 105 thành viên, trong đó hơn 90% là đồng bào S’tiêng và M’nông tham gia. 1.000 ha điều đã được các thành viên đưa vào HTX để canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.
Tham gia vào các HTX có liên kết cùng doanh nghiệp giúp bà con dân tộc thiểu số ở Bù Đăng được tập huấn các kỹ thuật canh tác điều hữu cơ. |
Đây cũng là một trong những mô hình tiêu biểu hướng tới nông nghiệp xanh, sạch. HTX này được đánh giá cao khi có sự liên kết chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài tỉnh về quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo tốt đầu ra, nâng cao giá bán sản phẩm, cải thiện thu nhập cho bà con trồng điều trên địa bàn.
Có thể thấy, HTX Trảng cỏ Bù Lạch đã phát huy được thế mạnh của xã Đồng Nai với cây trồng chủ lực là cây điều. Ở xã này tổng diện tích trồng điều hiện có hơn 3.000 ha. Trong xã có 2 HTX nông nghiệp hữu cơ, chuyên canh tác cây điều với tổng diện tích 2.000 ha đang hoạt động hiệu quả. Năng suất điều đạt bình quân 2 tấn/ha với sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm. Hai HTX đã từng bước xây dựng chuỗi liên kết, có đối tác bao tiêu sản phẩm, nhờ đó đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở đây giảm nghèo bền vững.
Cùng với xã Đắk Nhau và xã Đồng Nai, để giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số, huyện Bù Đăng ngày càng chú trọng phát triển kinh tế hợp tác theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng các mô hình sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bù Đăng có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh Bình Phước và là tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số (chiếm 40% số dân). Do đó, mô hình hoạt động liên kết của các HTX luôn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ tư duy canh tác lạc hậu, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Minh chứng cho điều này là thời gian gần đây đã có hàng trăm nông dân trong các thôn sóc đồng bào S’tiêng, M’nông đã tham gia vào các tổ hợp tác, HTX và được tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ sản xuất đối với cây trồng chủ lực…
Chính quyền huyện Bù Đăng luôn xác định công tác giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Với phương châm “trao cần câu chứ không trao xâu cá”, nhiều cách làm hay, đột phá của các HTX, tổ hợp tác nhằm khơi dậy ý chí, nghị lực để bà con dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững là rất đáng khích lệ và cần nhân rộng.
Do vậy mà tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bù Đăng ngày càng kéo giảm rõ rệt. Nếu như năm 2015, huyện có 2.347 hộ nghèo, chiếm 7,02% dân số thì đến năm 2021 giảm còn 1.120 hộ, chiếm 3,08% dân số, trong đó có 306 hộ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo. Đến cuối năm 2023 này, huyện đang nỗ lực để đạt chỉ tiêu đề ra là giảm 323 hộ nghèo dân tộc thiểu số.
Thanh Loan