Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh có 166 HTX, hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp (120 HTX), phi nông nghiệp (30 HTX) và 16 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút hơn 28.500 thành viên tham gia, tạo việc làm ổn định cho khoảng 2.000 lao động.
Phát triển nông nghiệp cộng đồng
Trong hàng trăm HTX được hình thành, có không ít HTX đã bứt lên khẳng định tên tuổi, không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, mà còn góp phần tích cực vào quá trình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Điển hình là tại huyện Cầu Kè, tính riêng trong năm nay đã thành lập mới 6 HTX, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên con số 14. Trong đó, HTX Nông nghiệp Thông Hòa đang trở thành ví dụ điển hình về sự phát triển bền vững trong nông nghiệp cộng đồng, tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các thành viên.
Mỗi năm, HTX Nông nghiệp Thông Hòa cung cấp đến 15 nghìn tấn trái cây sạch cho thị trường trong nước và quốc tế. |
Hiện nay, HTX có 50 thành viên, mỗi năm cung cấp đến 15 nghìn tấn trái cây sạch cho thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trần Thanh Phương, Giám đốc HTX nông nghiệp Thông Hòa cho biết, địa phương có thế mạnh về cây ăn trái. Tuy nhiên, trước đây, bà con nông dân đã trải qua nhiều khó khăn với tình trạng không ổn định về giá cả và đầu ra. Điều này đã thúc đẩy ban lãnh đạo HTX nỗ lực để xây dựng và phát triển HTX lớn mạnh như hiện nay.
“HTX đã ra đời và tạo mạng lưới kết nối nông sản trong địa phương và các vùng lân cận, nhằm tiếp cận thị trường miền Bắc và nước ngoài. Hiện tại, thế mạnh của chúng tôi tập trung vào các loại trái cây như cam, bưởi, dừa, mít, sầu riêng... Đặc biệt, chúng tôi đã được cấp mã cho hàng trăm héc ta cây ăn trái, đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu quốc tế”, ông Phương cho hay.
Mô hình nông nghiệp cộng đồng tại Trà Vinh đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Các thành công của HTX nông nghiệp Thông Hòa đã truyền cảm hứng và khích lệ cho nhiều nông dân khác trong việc chuyển đổi cây trồng và khám phá các cơ hội xuất khẩu.
Chanh không hạt Trà Vinh chinh phục châu Âu
Còn tại huyện Càng Long, mô hình trồng chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thành Chí (xã Huyền Hội) là điểm sáng về liên kết người nông dân, chuyển giao kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP để xuất khẩu sang Hà Lan. Từ đó, người nông dân có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Chí chia sẻ, qua việc canh tác tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, HTX đã thiết lập mối liên kết giữa các nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu. HTX đã ký hợp đồng xuất khẩu chanh không hạt với một công ty ở Hà Lan, sản lượng lên đến 100 tấn mỗi năm.
Để tăng hiệu suất kinh doanh, HTX đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh tế bằng cách kết hợp mô hình vườn, ao, chuồng.
Mô hình trồng chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thành Chí (xã Huyền Hội) là điểm sáng về liên kết người nông dân lại để sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP để xuất khẩu sang Hà Lan. |
Sự thành công của HTX nông nghiệp Thành Chí đã truyền cảm hứng cho những nông dân khác. Gần đây, nhiều hộ gia đình tại xã Huyền Hội đã chuyển từ trồng dừa sang trồng cây chanh không hạt. Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Danh ở ấp Sóc, người đã mua giống từ HTX và trồng trên diện tích 4.000m2 đất nhà.
Ông Danh cho biết, cây chanh không hạt chỉ cần chăm sóc đúng cách khoảng 17 tháng bắt đầu cho trái, kỹ thuật trồng cũng đơn giản hơn so với loại cây khác. Giá bán ổn định từ 20 - 30 nghìn đồng/kg vào những tháng cao điểm, còn thời điểm giá rẻ cũng từ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Hai tuần, ông có thể thu hoạch một lần và thu nhập hàng năm của gia đình đạt khoảng 400 triệu đồng từ 4 công đất trồng chanh (1 công = 1.000m2). Trồng chanh chỉ khó nhất là thu hoạch, phải thuê nhân công hái trái với giá 200 nghìn đồng/người/ngày.
Ngoài ra, hiện nay, HTX đã hợp tác với các doanh nghiệp lớn để mở rộng hoạt động trồng đậu bắp và đu đủ, nhằm mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho các thành viên trong HTX.
Theo ông Tài, để đạt được sự phát triển bền vững, mô hình nông nghiệp cộng đồng cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan. Đầu tư vào hạ tầng, khoa học kỹ thuật và công nghệ là rất quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc đào tạo và chuyển giao kiến thức, kỹ năng nông nghiệp hiện đại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất của các thành viên trong HTX.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết, HTX nông nghiệp Thành Chí đã liên kết và áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng chanh không hạt xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm của HTX đã được Công ty The Fruit Republic của Hà Lan bao tiêu sản phẩm với giá hợp đồng ban đầu 10.000 đồng/kg và mua theo giá thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi giúp địa phương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể
Những năm gần đây, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có nhiều điểm sáng. Các HTX hoạt động hiệu quả giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho thành viên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số), góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, trong đó có mục tiêu xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, nhiều HTX đã làm tốt việc tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên giá trị nông sản tăng đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn địa phương.
Năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh giảm gần 2.000 hộ nghèo và 4.125 hộ cận nghèo; trong đó có 1.358 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình, kết quả tích cực năm 2023 có được là nhờ trong năm, tỉnh tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp nâng cao mức sống cho người nghèo.
Tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer giảm trên 0,5%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh chú trọng phát triển các mô hình HTX. Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện nhấn mạnh: "Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh, HTX, quỹ tín dụng nhân dân thành viên cần tập trung thực hiện một số nội dung: phối hợp triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, phát triển HTX phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển HTX. Phối hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX. Hỗ trợ, vận động các HTX ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; chủ động chuyển đổi hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường xuất khẩu. Kịp thời điều chỉnh bổ sung, mở rộng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện vay vốn đối với các HTX".
Hoàng Hà