HTX là nòng cốt xây dựng cánh đồng lớn tại Trà Vinh (Ảnh tư liệu) |
Thúc đẩy cánh đồng lớn
Những năm qua, việc xây dựng cánh đồng lớn, hướng tới sản xuất hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo ATLĐ cho nông dân được các ban ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm.
Đơn cử, tỉnh đã vận động, hỗ trợ xây dựng 28 mô hình sản xuất theo cánh đồng lớn, trong đó có 17 cánh đồng lớn chuyên canh cây lúa tổng diện tích trên 33.000 ha và 11 mô hình canh tác mía chất lượng cao trên diện tích hơn 272 ha.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả, mang lại những giá trị bền vững cho người dân, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút và thúc đẩy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong quá trình xây dựng cánh đồng lớn.
Cụ thể, các HTX, tổ hợp tác khi thực hiện cánh đồng lớn trồng lúa được tỉnh hỗ trợ chi phí về công lao động, tiền thuê máy móc sản xuất… với mức 450.000 đồng/ha/vụ năm đầu và 300.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2.
Đối với cánh đồng lớn trồng cây công nghiệp ngắn ngày, các HTX, tổ hợp tác được hỗ trợ 380.000 đồng/ha/vụ năm đầu tiên và 250.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2; cây ăn trái, cây dừa được hỗ trợ 600.000 đồng/ha/vụ năm đầu và 400.000 đồng/ha/vụ năm thứ 2.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, những chính sách hỗ trợ được thúc đẩy nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác phát triển, qua đó trở thành điểm tựa giúp nông dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao chuỗi giá trị và đảm bảo ATLĐ.
Các HTX, tổ hợp tác đang chú trọng khoa học – kỹ thuật, ATLĐ để đảm bảo hiệu quả bền vững (Ảnh TL) |
HTX khẳng định vai trò
Sự đồng hành của các ban ngành địa phương cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực trở thành động lực lớn cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vươn lên, trở thành “đầu tàu” dẫn dắt người nông dân sản xuất lớn. Có thể kể đến hàng loạt những cái tên như HTX 9 Táo, HTX Rạch Lọp, HTX Hiếu Tử, THT bưởi da xanh ấp Ô Long...
HTX sản xuất và cung ứng lúa giống 9 Táo (xã Song Lộc, huyện Châu Thành) đang là một trong những “điểm sáng” lớn nhất trong phong trào xây dựng cánh đồng lớn tại Trà Vinh.
Để nâng cao hiệu quả, HTX đã chủ động xây dựng mô hình sản xuất lúa giống theo chuỗi giá trị. Những giống lúa HTX tập trung phát triển (OM 9921, TV39, Jasmine 85…) đều là những giống lúa ngắn ngày, cây cứng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ông Lê Văn Chính – Giám đốc HTX, cho biết: “Trong sản xuất, bên cạnh khoa học – kỹ thuật, ATLĐ là yếu tố được HTX chú trọng để mang lại giá trị bền vững cho nông dân. Nông dân phải vừa có tiền vừa có sức khỏe thì mới bền”.
Theo đó, trong quá trình canh tác, thành viên HTX được tập huấn để nắm vững kỹ thuật, tự tin vận hành các loại máy móc hiện đại, sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp, đảm bảo tính hiệu quả và sự an toàn.
Người lao động HTX được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi tham gia các khâu sản xuất tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe như gặt lúa, cày đất, vận chuyển hàng hóa...
HTX cũng hướng dẫn thành viên cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ đúng cách để vừa nâng cao hiệu quả, vừa không gây ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe, ATLĐ trong quá trình sản xuất.
Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ấp Ô Long (xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) cũng đang là điển hình trong xây dựng cánh đồng lớn. Tổ hợp tác đang có 43 thành viên, phát triển sản xuất trên tổng diện tích hơn 27 ha.
“Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, chú trọng ATLĐ, diện tích trồng bưởi của thành viên Tổ hợp tác đang phát triển ổn định, cho lợi nhuận bình quân 200 – 300 triệu đồng/ha/năm”, Tổ trưởng Võ Văn Chà cho hay.
Hưng Nguyên