Nhiều HTX tại Trà Vinh đang bứt lên, trở thành điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho nông dân (Ảnh Tư liệu) |
Hàng loạt điểm sáng
Tính đến đầu quý I/2020, toàn tỉnh Trà Vinh có 165 HTX, thu hút gần 28.000 thành viên tham gia, tạo việc làm ổn định cho xấp xỉ 2.000 lao động. Các HTX nông nghiệp (trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi) chiếm tỷ lệ cao nhất, với 117 HTX.
Trong hàng trăm HTX được hình thành, có không ít HTX đã bứt lên khẳng định tên tuổi, không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, mà còn góp phần tích cực vào quá trình phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
HTX nông nghiệp Rạch Lọp (xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần) được thành lập vào cuối năm 2016, đến nay có 512 thành viên, với tổng vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng.
HTX hiện đang sản xuất trên tổng diện tích hơn 430ha, trong đó diện tích đất trồng lúa 308ha, phần diện tích còn lại trồng dừa, màu và nuôi thủy sản.
Chủ tịch HĐQT Huỳnh Đăng Khoa cho biết, thời gian qua, HTX tập trung đem lại lợi ích cao nhất cho thành viên. Vào HTX, các thành viên không những được bảo đảm đầu ra, còn được cung cấp giống lúa chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và được thuê máy gặt đập liên hợp với giá cả hợp lý.
Tương tự, sau hơn 15 thành lập và phát triển, HTX Quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) hiện có 67 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 45ha đang trong thời kỳ cho trái đẹp.
Chủ tịch HĐQT Phan Thị Thúy Nga cho biết, 100% thành viên của HTX đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, đảm bảo các bước quan trọng trong sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn an toàn.
Trong 45ha quýt đường của HTX đang cho trái, năng suất bình quân đạt 8 - 10 tấn/ha, cao hơn các nhà vườn ngoài HTX khoảng 1 - 1,5 tấn/ha, 80% sản lượng trái có chất lượng cao, tròn đều.
Nhờ chất lượng cao, giá bán sản phẩm tại các nhà vườn của HTX Quýt đường Thuận Phú cũng cao hơn các nhà vườn ngoài HTX khoảng 10 - 15%.
Kể từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm, HTX xuất bán hơn 400 tấn quýt đường, giá dao động 25.000-35.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 200 - 250 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy HTX phát triển (Ảnh TL) |
Thêm động lực để lan tỏa
HTX nông nghiệp Thành Công (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) cũng đang là một "tên tuổi" lớn tại Trà Vinh. HTX đi vào hoạt động từ năm 2016, xuất phát điểm với chỉ vài hộ thành viên, đến nay đã có 18 thành viên và hơn 200 hộ dân liên kết. Sản phẩm chính của HTX là ớt chỉ thiên.
Ông Thạch Sô Phanh - hộ liên kết của HTX Thành Công, chia sẻ: “4 năm qua, tôi ký kết trồng 3.000m2 ớt chỉ thiên với giá bao tiêu 11.000 đồng/kg. Nhờ có hợp đồng “cứng”, giá ớt ít biến động hơn. Năng suất ớt đạt bình quân 25 tấn/ha, trừ chi phí, năm nào tôi cũng thu lợi gần 50 triệu đồng”.
Cùng chung niềm vui, gia đình ông Thạch Rinh trồng gần 3 công ớt, cho biết ớt chỉ thiên cho thu hoạch sau 70 – 80 ngày gieo trồng, thời gian thu hoạch kéo dài 7 – 8 tháng. Kết quả sản xuất cho thấy thu nhập từ cây ớt có thể cao gấp 3 – 4 lần các loại rau màu khác.
Cây ớt chỉ thiên không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, việc hái ớt còn tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ớt chỉ thiên được nhiều hộ nông dân xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Đang có nhiều thành công, song theo Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, một số HTX trên địa bàn tỉnh có chất lượng hiệu quả chưa cao, thiếu tính bền vững, năng lực quản lý, điều hành, xây dựng phương án, dự án sản xuất - kinh doanh chưa mạnh...
Vẫn còn tình trạng HTX trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dẫn đến chất lượng hoạt động yếu kém.
Để khắc phục, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX phát triển. Cụ thể, tỉnh đã và đang triển khai khoảng 20 chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó có khoảng 16 chính sách trực tiếp hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác và HTX liên kết. Năm 2018 - 2019, Sở NN&PTNT đã tổ chức khoảng 50 cuộc tập huấn và cấp phát tài liệu về chính sách.
Các chính sách hỗ trợ HTX rất đa dạng như: hỗ trợ thành lập, phát triển hạ tầng, khắc phục thiên tai dịch bệnh, chế biến sản phẩm, lãi vay, giống, nhãn mác sản phẩm,…
Hưng Nguyên