Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiều nội dung mới, riêng lĩnh vực nông nghiệp tỉnh đặt mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.
Mục tiêu này đang được nhiều HTX triển khai và đã có những thành công, qua đó không chỉ thúc đẩy tăng trưởng xanh, mà còn giúp bà con nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Cây chè Phổng Lái giúp người dân giảm nghèo, vươn lên khá giả
Mảnh đất Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ rất phù hợp để trồng chè. Mặc dù chất lượng chè Phổng Lái được đánh giá cao, thế nhưng dù ngon nhưng sản phẩm chỉ được phân phối trong huyện nên giá thành rất thấp, nhiều hộ dân đã nghĩ đến việc phá bỏ cây chè để trồng các loại cây trồng khác.
Mô hình trồng chè của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận |
Trong bối cảnh đó, năm 2013 HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận được thành lập nhằm giữ gìn thương hiệu chè Phổng Lái và để cung cấp cho thị trường, góp phần nâng cao giá bán chè cho người dân địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu HTX đã đặt mục tiêu chè được sản xuất phải đảm bảo về chất lượng, sạch, an toàn. Từ những đòi hỏi đó, buộc chúng tôi phải thay đổi tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hiện đang hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ".
Bên cạnh việc trồng chè hữu cơ, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để chế biến chè khô. Hiện nay, dây chuyền sản xuất của HTX có công suất lên tới 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với khoảng 5 tấn chè khô thành phẩm. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô xuất ra thị trường.
Đến nay, chè Phổng Lái của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được người tiêu dùng đón nhận. “Hiện tại, sản phẩm chè của HTX được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Đài Loan và Thái Lan. Mỗi năm, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn chè Trọng Nguyên. Đặc biệt, thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 - 600 tấn chè búp khô, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi", bà Bình nói.
Nhờ mô hình trồng chè hữu cơ của HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, cuộc sống của hàng chục thành viên và lao động trong vùng có nhiều đổi thay, giúp xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Hiện nay, HTX liên kết sản xuất với 500 hộ nông dân ở các xã như: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É (huyện Thuận Châu), giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/ tháng.
Khi HTX mở rộng liên kết trồng chè đã giúp người dân sản xuất ổn định, giảm hẳn việc khai thác rừng trái phép; 100% các hộ dân được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, sản xuất an toàn, bền vững.
Anh Nguyễn Đức Quân, bản Tiến Hưng, xã Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) chia sẻ: Gia đình tôi canh tác hơn 2 ha chè. Trước kia khi chưa liên kết với HTX Bình Thuận, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn trong việc canh tác, cũng như tiêu thụ sản phẩm chè tươi. Từ khi liên kết với HTX, được hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cây chè, nhờ vậy sản lượng chè của gia đình được nâng cao. Đặc biệt là việc liên kết với HTX, gia đình không phải lo về đầu ra cho sản phẩm, làm được bao nhiêu, HTX sẽ thu mua toàn bộ.
Đột phá nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật
Mấy năm nay, vườn mận của gia đình anh Vì Văn Vân, dân tộc Sinh Mun ở bản Bon Cằm, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đều cho thu hái vụ sớm và vụ muộn. Kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 nên mận được giá hơn, dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg lúc đầu vụ, cuối vụ. Đây là kết quả của việc áp dụng khoa học vào sản xuất và chăm sóc đúng quy trình.
HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát cung ứng giống cây ăn quả cho nhân dân trên địa bàn huyện. |
Anh Vân chia sẻ: "Trước đây diện tích đất của gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế kém. Tuy nhiên, từ khi vào HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát được chia sẻ cách trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi vụ thu lãi ít nhất cũng được 200 triệu đồng”.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát cho biết HTX ra đời với mục tiêu liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo bước đột phá trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện HTX đang có 60 ha mận hậu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được cắm biển, khoanh vùng sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất thông qua hệ thống camera.
Đặc biệt, 2 thành viên của HTX là hộ anh Lê Văn Sỹ và Lê Văn Dũng đã đầu tư nhà lưới để bảo vệ vườn mận trước nguy cơ thiệt hại do mưa đá. Nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm tăng khoảng 30% so với trước đây. Toàn bộ sản lượng quả của HTX không đủ cung ứng theo đơn đặt hàng của khách. Thu nhập của các thành viên ngày càng tăng lên.
"HTX cũng có nhiều đơn hàng, như ở trong nước thì các đơn hàng luôn ổn định nhiều năm. Thị trường của chúng tôi đa dạng từ truyền thống tới thương mại điện tử rồi mạng xã hội. Khi có đầy đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu thì quả mận của chúng tôi sẽ ký hợp đồng sang các nước", ông Toàn chia sẻ.
Chia sẻ về hướng phát triển trong những năm tiếp theo, ông Nguyễn Khánh Toàn thông tin thêm: HTX sẽ tiếp tục kết nạp thêm thành viên mới, tạo cơ hội cho người dân cùng hợp tác, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, nhân rộng mô hình kinh tế cho nông dân trong vùng tạo ra các sản phẩm an toàn, chất lượng, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nâng tầm HTX ứng dụng công nghệ cao
Việc hình thành và phát triển HTX kiểu mới ở Sơn La đã thể hiện được vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương cũng như trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các HTX đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường... là cầu nối cho sự trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động của địa phương.
Tỉnh Sơn La hiện có hơn 700 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, có trên 30% HTX có ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; có gần 80% HTX nông nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2020-2025) về xây dựng Sơn La trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc, các HTX ở địa phương đã và đang tự nâng tầm để trở thành điểm cung ứng đầu vào cho sản xuất, là nơi tiêu thụ nông sản cho các thành viên, thúc đẩy thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để Sơn La thực hiện thành công mục tiêu này.
Theo đánh giá, HTX ở Sơn La đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Một số HTX là nơi ứng dụng thí điểm các tiến bộ khoa học công nghệ mới đã góp phần cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Hoàng Hà