Dựa trên thế mạnh sẵn có ở địa phương, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) thực hiện Đề án OCOP trong năm 2018 với 3 sản phẩm tiêu biểu là tiêu, trầm hương, rượu.
HTX đầu tư sản xuất thành hàng hóa
Theo Ban chỉ đạo thực hiện Đề án OCOP, Tiên Phước sẽ tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có tiềm năng, thế mạnh theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Trưởng ban Điều hành chương trình OCOP, cho biết qua khảo sát, hiện trên địa bàn huyện có 32 sản phẩm truyền thống, đặc trưng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP.
Trong đó, có một số sản phẩm như tiêu, trầm hương, rượu (lòn bon, chuối hột, nấm lim) đã cơ bản đáp ứng được một số tiêu chí của sản phẩm OCOP (sản phẩm tiền OCOP) nên được chọn là sản phẩm điểm.
Các tiêu chí để sản phẩm trên được chọn là đã được các HTX, DN trên địa bàn sản xuất ổn định bằng nguyên liệu của địa phương; có bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm phù hợp và thị trường tiêu thụ khá ổn định.
Việc chọn các sản phẩm có ưu thế vượt trội hơn để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP trong năm 2018 sẽ giúp Tiên Phước đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sản phẩm OCOP, giảm chi phí, tạo tiền đề để phát triển các sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP trong những năm tiếp theo.
Đối với 3 sản phẩm tiêu, trầm hương, lòn bon Tiên Phước được chọn đều đã có đăng ký công bố chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thị trường tiêu thụ của các sản phẩm này hiện nay đã rộng khắp trong và ngoài tỉnh. Khi nhắc đến các sản phẩm này, người tiêu dùng đã biết đến nhiều nên tạo thuận lợi trong việc phát triển thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm và tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa được sản xuất trong thời gian tới. Các sản phẩm trên đều đã được một số DN, HTX đầu tư sản xuất thành hàng hóa.
Tiêu Tiên Phước được chọn là sản phẩm OCOP |
Người dân là chủ thể
Theo ông Phùng Văn Huy, địa bàn huyện Tiên Phước có khá nhiều sản phẩm tại chỗ có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, việc sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa tập trung, sản xuất theo tính kinh nghiệm chứ chưa qua đào tạo theo tiêu chuẩn của sản phẩm, chưa thành hàng hóa.
Vì thế, định hướng của Tiên Phước là phát triển các sản phẩm OCOP phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, nhằm bảo đảm tính bền vững, liên tục. Chính vì vậy, Tiên Phước đã quy hoạch những vùng sản xuất tập trung trong khi thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế vườn - rừng, kinh tế trang trại của huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có những vùng nguyên liệu ổn định, như vùng thanh trà Tiên Hiệp, lòn bon Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh; tiêu ở Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Mỹ; chuối nai ở Tiên Ngọc...
Trong thời gian tới, khi triển khai Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng, phương án phát triển sản xuất sẽ được triển khai theo hướng liên kết chuỗi giá trị ở các địa phương. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các vùng nguyên liệu phục vụ chương trình OCOP của Tiên Phước.
Diễm Lệ