Sơ chế rau an toàn tại HTX Gò Công |
Để phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các HTX trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn, chuyển giao cho nông dân kỹ thuật và áp dụng những mô hình canh tác thân thiện với môi trường.
Những mô hình tiêu biểu
Các quy trình sản xuất an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách được khuyến khích thực hiện.
Bên cạnh đó, Liên minh tỉnh cũng phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó giúp nông dân hiểu rõ tác hại của các sản phẩm nông nghiệp không an toàn, nâng cao trách nhiệm của mình về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và trở thành những người tiêu dùng thông thái, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm chất lượng để góp phần bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và xã hội.
Các tổ sản xuất nông sản sạch cũng được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả như: HTX rau an toàn Gò Công, THT rau an toàn VietGAP Long Thuận (thị xã Gò Công), HTX thanh long mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo), HTX Chăn nuôi - thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công)…
Các THT, HTX này đều hướng đến sản xuất an toàn sinh học, sản xuất nông sản sạch, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng.
HTX trồng rau an toàn Gò Công là một trong những mô hình phát triển và hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX có 12 ha đất ruộng chuyên canh rau quanh năm. Được tham gia tập huấn về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, việc sản xuất rau an toàn không còn khó khăn, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình, hiệu quả kinh tế cao hơn, lại không gây độc hại cho sức khỏe của người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Hiện nay, việc sử dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, sử dụng đệm sinh học… trong sản xuất và chăn nuôi được nhiều THT, HTX áp dụng. Việc triển khai, nhân rộng các mô này không những tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như: trấu, mùn cưa… mà còn phù hợp với xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, phòng tránh được dịch bệnh.
Hơn nữa, đây là mô hình dễ áp dụng, thực hiện trong thời gian ngắn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Từ đó, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp trên địa tỉnh phát triển bền vững.
Chú trọng nâng cao nhận thức
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị và địa phương, thực hiện tuyên truyền, vận động các thành viên và nông dân thực hiện mô hình sản xuất an toàn, sản xuất sạch, bền vững.
Riêng năm 2017, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 41 buổi tập huấn hướng dẫn nông dân phòng trị sâu, bệnh trên các loại cây trồng; cấp phát khoảng 400 cuốn tài liệu các loại, 100 tờ poster tuyên truyền về quy trình phòng trừ dịch hại an toàn cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân về sử dụng an toàn hóa chất, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi... trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra các mô hình sản xuất, các HTX có hoạt động BVTV, lấy mẫu thuốc BVTV để phân tích giám định chất lượng.
Từ những hoạt động cụ thể, các HTX, THT đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, góp phần giữ gìn môi trường sản xuất và môi trường nông thôn ở địa phương ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Như Yến