Mỗi mùa vụ, hàng chục nghìn tấn thóc của người dân xã An Đức nếu không dùng để phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi thì sẽ được bán nhỏ lẻ thông qua thương lái. Tuy nhiên, thóc chỉ được phơi qua một, hai nắng nên giá bán không cao. Nếu có để lại thì chất lượng cũng giảm đáng kể vì bị mối, mọt.
Chú trọng đầu tư
Nhận thấy những thiếu sót trong mô hình sản xuất của người dân là thiếu ở khâu chế biến, nên năm 2014, Tổ hợp tác (THT) Tuyết Hoa đã ra đời, với mục tiêu trước tiên là giải quyết khâu chế biến nông sản của các thành viên, sau đó là hỗ trợ người dân giảm thiểu hao hụt trong sản xuất nông sản.
Trước khi thành lập, chỉ có duy nhất một thành viên trong THT có một máy xay xát để phục vụ người dân, nhưng với công suất thấp, chỉ phục vụ sinh hoạt hoặc chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
Khi đi vào hoạt động, với nguồn vốn góp của các thành viên cộng với nguồn vốn vay ngân hàng, THT đã đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng với sức chứa 800 - 1.000 tấn nông sản.
Để bảo đảm chất lượng hạt gạo, THT đầu tư dây chuyền xay xát, chế biến gạo hiện đại. Mỗi tháng, THT có thể chế biến 200 - 300 tấn gạo. Đầu tư vào dây chuyền công nghệ mới giúp tỷ lệ thu hồi gạo từ thóc trong quá trình xay xát, chế biến đạt tỷ lệ cao (khoảng 80%) và mang lại doanh thu tốt.
Hiện nay, sản phẩm gạo do THT chế biến đã có mặt trên thị trường nhiều tỉnh thành trong cả nước, cạnh tranh với những sản phẩm gạo chất lượng của các đơn vị khác. Các loại gạo chất lượng cao như Tám thơm, IR64, BC… được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo các thành viên THT, trước đây, việc dùng máy xay xát truyền thống và thực hiện “công nghệ” phơi sấy ngoài trời đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng, năng suất lúa gạo, gây hao hụt nhiều. Chính vì vậy, việc đầu tư máy móc hiện đại là hướng đi tất yếu. Đây không chỉ là cách giúp người dân tiêu thụ nông sản mà còn nâng cao giá trị sản phẩm.
Với công suất sản xuất tương đối lớn, hoạt động chế biến nông sản của THT thải ra một lượng lớn chất thải như trấu, bụi cám, tiếng ồn… Để giải quyết tình trạng này, ngoài xây dựng nhà xưởng kiên cố, THT chú trọng xây dựng nhà chứa trấu, đồng thời lắp đặt hệ thống giảm thanh và hút bụi để hạn chế bụi và tiếng ồn phát tán ra môi trường xung quanh. Đây cũng là cách bảo vệ sức khỏe các thành viên và người lao động làm việc hàng ngày.
![]() |
THT luôn tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường |
Làm tốt khâu thu mua
Nhờ chú trọng yếu tố môi trường, hoạt động chế biến nông sản của THT không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Tình trạng trấu phát tán ra các sông, ao không xảy ra. Lượng bụi phát tán ra môi trường hoàn toàn trong tiêu chuẩn cho phép.
Từ biến hạt thóc thành hạt gạo là cả một quá trình từ thu mua, vận chuyển, kiểm tra, chế biến, bảo quản... Đến nay, THT thực hiện các khâu mua, bán hoàn toàn bằng các hợp đồng. THT đã liên kết được với một số HTX sản xuất lúa để bảo đảm nguồn cung, giá cả ổn định và không bị ép giá.
Có năm, nhờ thời tiết thuận lợi nên công việc thu mua diễn ra suôn sẻ. Nhưng cũng có năm, thời điểm thu mua vào đúng lúc có mưa lũ nên tất cả thành viên đều không kể ngày hay đêm làm việc hết công suất nhằm bảm đảm chất lượng thóc phục vụ chế biến.
Vào mùa vụ và khi có hợp đồng lớn, tất cả thành viên và hàng chục lao động đều tiến hành tăng ca để kịp tiến độ thu mua. Cùng với đó là khâu chế biến cũng được thực hiện nhịp nhàng để cho ra những gói gạo, bao gạo chất lượng.
Hiện, gạo chất lượng được THT xuất bán cho các doanh nghiệp, còn gạo loại 2, loại 3 được bán cho các cửa hàng, cơ sở chuyên sản xuất bún, bánh, hủ tiếu trong và ngoài tỉnh…
Đối với lượng thóc để phục vụ chế biến dần, trước khi đưa vào kho bảo quản đều được loại trừ hết các hạt non, hư hỏng, rơm, hạt cỏ, đất, cát, sỏi… sau đó làm khô đến độ ẩm hợp lý. THT cũng tuyệt đối không trộn thóc mới và thóc cũ để tránh mối mọt.
Đến nay, THT cũng đầu tư được 3 xe tải để chuyên chở hàng và hơn thế nữa là tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng. Thu nhập của mỗi thành viên THT đạt trung bình 200 triệu/năm.
Dù tập trung vào chế biến nông sản, nhưng THT luôn tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm môi trường nên quá trình truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu không còn là rào cản.
Hoạt động của THT đã và đang góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương, từng bước là cánh tay nối dài của người nông dân.
THT cũng đang lên kế hoạch mở rộng nhà kho, đồng thời mở rộng sang chế biến các loại nông sản khác như bắp để giải quyết những khó khăn về đầu ra cho người dân.
Huyền Trang