Việc chuyển sang mô hình trồng đậu phụng được thực hiện trên những cánh đồng lớn ở 2 thôn Đông Tác, Nghĩa Hòa và thay thế sức người bằng cơ giới trên đồng ruộng. Mô hình trồng đậu phụng được đánh giá khá phù hợp với thổ nhưỡng, thời gian sinh trưởng ngắn, cho giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Dự án "đậu sạch, dầu sạch"
Năm 2019, nhận thấy sản phẩm dầu phụng sạch của xã Bình Nam rất được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và để giúp nhân dân trồng đậu giảm bớt chi phí, công sức lao động cũng như cho ra sản phẩm dầu sạch, UBND xã Bình Nam làm chủ đầu tư dự án “đậu sạch, dầu sạch". Cùng với đó, UBND xã đã xây dựng, tiến hành thực hiện dự án sản xuất dầu phụng gắn với bao tiêu sản phẩm.
Chuyển đổi trồng lúa sang trồng lạc hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra (Ảnh:TL) |
Trên cánh đồng mẫu lớn Bình Nam, tất cả các công đoạn sản xuất từ nhỏ đến lớn như: làm đất, vun hàng, tỉa hạt, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, máy bức củ đậu, máy sạc đậu để loại vỏ, máy ép dầu (nóng, lạnh)… đã được cơ giới hóa để hạn chế sức người, nhân công, nâng cao năng suất, tiết kiệm thời gian.
Việc sử dụng máy bóc vỏ củ đậu cũng góp phần tạo sản phẩm dầu sạch, không cặn bã, cho chất lượng dầu trong hơn, thơm ngon hơn, an toàn cho người sử dụng. Phế phẩm từ trồng trọt và trong quá trình ép dầu như thân cây đậu, bánh dầu được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, làm phân bón vi sinh.
Theo ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam: “Ban đầu, người dân Bình Nam còn e ngại với dự án vì bà con lâu nay trồng đậu sử dụng phương thức canh tác cũ, bây giờ xã áp dụng khoa học kỹ thuật ở mọi khâu, đòi hỏi người dân phải chịu khó thâm canh, áp dụng kỹ thuật. Với phương thức canh tác tiên tiến, bà con đã tiếp cận và nhận thấy được nhiều lợi ích”.
Cũng theo ông Tốt, 60ha ở vùng chuyên canh cây đậu phụng ở 2 thôn Nghĩa Hòa, Đông Tác được quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh của xã vốn là vùng được chuyển đổi từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Bình Nam hướng tới nhân rộng mô hình ra các thôn lân cận hội đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, thực hiện dự án “đậu sạch, dầu sạch”, tạo chất lượng sản phẩm tốt nhằm góp phần triển khai thành công Chương trình OCOP của xã, Bình Nam đã thành lập HTX Nông nghiệp Bình Nam thu hút 8 hội viên nông dân tham gia.
Hướng tới OCOP
Vụ mùa đậu năm 2019, HTX Nông nghiệp Bình Nam đã tích cực đầu tư mua sắm các loại máy móc phục vụ sản xuất, duy trì giống đậu đặc sản riêng của xã.
Với định hướng muốn duy trì dự án này lâu dài và đem lại hiệu quả tích cực nhiều hơn nữa, HTX đã cử cán bộ bám đồng, không ngừng học hỏi việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, tích cực vận động thành viên hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học để phòng trừ dịch hại, sâu bệnh, xây dựng và áp dụng hệ thống tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm nước tưới.
Dầu phụng mang lại giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng lựa chọn (Ảnh:TL) |
Ông Trần Quang Diên- Phó Giám đốc HTX Bình Nam cho biết: Việc triển khai thực hiện dự án “đậu sạch, dầu sạch” của xã đã đem đến lợi ích rất lớn cho người dân, giảm chi phí trồng đậu từ 300.000 đồng/sào, sản lượng đậu thu hoạch được cũng cao hơn (22 tạ/ha) so với cách thức sản xuất truyền thống không theo đề án (18 tạ/ha).
Cùng với việc bao tiêu sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường, HTX còn thu mua nguyên liệu để chế biến dầu phụng sạch, đóng chai, gắn nhãn mác, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới bảo hộ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, từng bước đưa sản phẩm dầu phụng Bình Nam đạt chuẩn OCOP.
Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư nguồn lực thu mua toàn bộ sản phẩm đậu của xã viên để đảm bảo nguyên liệu chế biến.
Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nam cho hay: “HTX hiện nay sản xuất theo hình thức cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất cho đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Tổng diện tích vận động bà con liên kết sản xuất trồng lúa hơn 200ha, diện tích trồng đậu phụng khoảng 300ha trên 2 vụ. Đối với lúa, thu mua lúa giống về để cung cấp cho các công ty, đậu phụng thì trực tiếp sản xuất, đóng chai theo sản phẩm OCOP để bán ra thị trường. Có thể nói, người dân tham gia liên kết sản xuất giảm được chi phí rất nhiều, từ đó bà con yên tâm hơn trong sản xuất”.
Hiện, dự án “đậu sạch, dầu sạch” đang hoàn thiện một số công đoạn để sớm đưa sản phẩm dầu phụng Bình Nam trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ngọc Giang