Xuất khẩu nông sản là lựa chọn, xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập để mở rộng thị trường, đem lại nguồn thu lớn cho HTX, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần tìm giải pháp khắc phục như: nguồn nguyên liệu không đảm bảo, thủ tục thu mua còn nhiều bất cập, cẩu thả trong dán tem QR Code, vấn đề đăng ký thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ...
Còn lắm gian nan
Dưa hấu là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo của Quảng Nam. Giữa năm 2019, tại một số địa phương của huyện Phú Ninh, nhiều thương lái tiến hành thu mua dưa hấu của nông dân và thực hiện việc dán tem QR Code để đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, việc dán tem QR Code lên dưa hấu trong thời gian qua được thương lái thực hiện hết sức cẩu thả. Không chỉ vậy, đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT còn phát hiện một loại tem dán lên dưa hấu ở huyện Phú Ninh không thể hiện thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ.
Dưa hấu Phú Ninh phải được dán tem QR để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, vấn đề thương hiệu vẫn chưa thực sự bài bản. Theo ông Vũ Thạch Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước (Phú Ninh): Nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký cho HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tam Phước (xã Tam Phước) từ năm 2009 nhưng hết hạn từ năm 2016 vẫn chưa được cấp trở lại.
Vốn tưởng rằng dưa hấu Kỳ Lý được cấp "tên tuổi" thì sẽ có chỗ đứng và phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, chưa có trái dưa hấu dán nhãn hiệu Kỳ Lý nào vào được siêu thị.
Ông Đoàn Ngọc Dung - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Tam Phước lý giải: “Ban đầu, chúng tôi bắt tay với 30 hộ nông dân để xây dựng nhãn hiệu dưa hấu Kỳ Lý theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm dưa hấu có nhãn hiệu lại quá khó khăn. Vào siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thì chúng tôi không đáp ứng được nguồn cung thường xuyên vì dưa hấu chỉ sản xuất theo vụ. Thử liên hệ với ngành chức năng để tham gia hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhưng họ không mặn mà, vì rốt cuộc giá dưa có nhãn hiệu với dưa không có nhãn hiệu cũng như nhau. Làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu thì dễ nhưng để phát huy được thương hiệu thì cả một vấn đề”.
Hay như việc liên kết sản xuất ớt để xuất khẩu với Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Việt Thắng thông qua HTX Nông nghiệp Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều hộ trên địa bàn Duy Châu.
Ông Nguyễn Xuân Nhàn - Giám đốc Công ty Việt Thắng cho biết: Nhờ đẩy mạnh việc liên doanh liên kết nên hiện nay công ty đã có khá nhiều đầu mối tiêu thụ ớt với số lượng lớn ở các thị trường như Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... Bình quân mỗi mùa ớt, các đối tác của công ty cần khoảng 3.000 tấn trái tươi nhưng công ty không đủ nguồn để cung ứng.
“Để đảm bảo sản lượng ớt theo đơn đặt hàng của các đối tác nước ngoài, thời gian tới, chúng tôi rất cần sự phối hợp, hỗ trợ nhiều hơn nữa của ngành nông nghiệp Quảng Nam cũng như chính quyền các địa phương trong vấn đề đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các HTX, tổ hợp tác, nông dân nhằm tập trung tích tụ ruộng đất, mở rộng và ổn định vùng nguyên liệu”, ông Nhàn nói.
Giải pháp khả thi
Trước những khó khăn đó, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa lớn giữa nông dân với doanh nghiệp, thay đổi căn cơ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước… được xem là lối đi cho xuất khẩu nông sản Quảng Nam.
Từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thay đổi tư duy sản xuất, tăng liên kết với các HTX, doanh nghiệp (Ảnh: TL) |
Từ đó, nông dân cần chuyển đổi tư duy sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các HTX, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất. HTX và doanh nghiệp cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn về quy trình, thủ tục đăng ký mã vùng sản xuất, mã cơ sở đóng gói nông sản theo quy định. Ngoài ra, cần vận động, hướng dẫn bà con sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững… để đảm bảo những quy định khắt khe đối với hàng xuất khẩu.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho rằng: “Để đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường Trung Quốc cũng như các đối tác tiềm năng khác, nhất thiết cần có sự liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX, tổ hợp tác, nhà nông trong khâu sản xuất, tiêu thụ dưa hấu. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà khoa học trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất để liên kết sản xuất hàng hóa lớn giữa doanh nghiệp với người nông dân thông qua HTX đã tạo nên chuyển biến về nhiều mặt, là động lực cho quá trình thay đổi về chất, nâng cao sản lượng, năng suất, chất lượng nông sản hướng đến xuất khẩu. Điều cần kíp là các mô hình sản xuất hàng hóa lớn hiệu quả cần được nhân rộng; tiếp tục thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất chuyên nghiệp của người nông dân, qua đó truy xuất hàng hóa nông sản thuận lợi hơn phục vụ xuất khẩu.
“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nông dân trên địa bàn tỉnh muốn nâng cao hiệu quả kinh tế thu được cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. Doanh nghiệp với nguồn vốn lớn, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, liên kết theo chuỗi sẽ là đầu tàu. Người nông dân và HTX là mắt xích lớn, góp phần đưa nông sản xứ Quảng đi xa trên thị trường quốc tế” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Ngọc Giang