Năm 2011, được sự đầu tư của Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, xã Mỹ Lộc đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích gần 100 ha. Ðến nay, mô hình được mở rộng lên hơn 1.200 ha, trở thành mô hình điểm của tỉnh trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cho "hiệu quả kép" về kinh tế, môi trường.
Sức hút từ chất lượng
HTX Tân Tiến đang là một trong những điển hình trong phát huy thế mạnh trồng lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Mỹ Lộc. Xuất hiện trên thị trường từ năm 2018, gạo sạch Hương Xuân - sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Sản xuất sạch cho hiệu quả cao hơn (Ảnh TL). |
Ông Dương Văn Thành - Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, hơn 40 ha đất trồng lúa của HTX đã “thay da đổi thịt” sau hơn 3 năm kiên trì thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản lượng lúa tăng đáng kể, từ bình quân gần 4 tấn/ha lên hơn 6 tấn/ha.
Để sản xuất lúa sạch, HTX nói không với phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, ưu tiên các hợp chất vi sinh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện môi trường. Nhờ đó, môi trường tự nhiên được cải thiện, đất đai không bị thoái hóa, tốt dần lên.
Đặc biệt, nhờ sản xuất an toàn sinh học, các chất độc hại được loại bỏ nên nguồn nước tại các khu ruộng của HTX không bị ô nhiễm, giàu chất dinh dưỡng, rất thích hợp để phát triển mô hình tôm - cá - lúa kết hợp, đang mở ra một hướng đi mới cho thành viên.
“Sự thay đổi về tư duy sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường giúp thành viên HTX tạo ra những sản phẩm chất lượng, từ đó gia tăng sức hút với các đối tác thu mua, mở rộng thị trường, ổn định giá bán, nâng cao giá trị canh tác”, ông Thành nhấn mạnh.
Tương tự, cách đây gần 3 năm, nhận thấy tiềm năng của cây thanh long tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Phước cùng một số hộ quyết định thành lập Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ Mỹ Lộc, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Đến nay, Tổ hợp tác đã có 32 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 15 ha. Với quy trình sản xuất sạch và có tem truy xuất nguồn gốc (do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vĩnh Long hỗ trợ), nên đầu ra của sản phẩm khá ổn định. Hiện, sản phẩm của Tổ hợp tác đang được một công ty bao tiêu giá cao hơn 10% so với thị trường.
Hướng tới chuỗi giá trị
Sự hình thành của hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và VietGAP, đặc biệt là hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đang cho thấy các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của ngành nông nghiệp xã Mỹ Lộc đang đi đúng hướng.
Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu đảm bảo thành công bền vững (Ảnh TL). |
Thời gian tới, xã dự kiến tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để phát huy nguồn lực của “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, gồm Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và HTX, nông dân. Sự tham gia của 4 nhà sẽ là điểm tựa để xã hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã cũng sẽ dành nhiều sự đầu tư cho việc thành lập mới, nâng cao hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, từ đó giúp các đơn vị phát huy vai trò “bệ đỡ kinh tế hộ”.
Công tác kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, hoàn thành hệ thống bao bì, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc… cũng sẽ được xã đặc biệt quan tâm, hướng tới hình thành các thương hiệu nông sản đặc trưng, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo giá trị bền vững cho nông dân.
Nhật Minh