Tân Trụ là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh Long An. Bên cạnh gần 5.000 ha lúa, hàng năm huyện còn triển khai trên 250 ha rau màu các loại, sản lượng bình quân trên 4.000 tấn. Nhờ những cải tiến trong canh tác, các mô hình trồng rau đang mang lại hiệu quả tích cực.
Mở hướng đi mới
Lạc Tấn đang là địa phương đi đầu trong chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng rau sạch trên địa bàn huyện Tân Trụ. Đến nay, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi thành công trên 23 ha trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau VietGAP, hữu cơ.
Mô hình trồng rau sạch đang có nhiều tiềm năng ở Tân Trụ (Ảnh TL). |
Ông Nguyễn Việt Cường, xã Tân Trụ, chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 0,5 ha đất chuyển sang trồng rau màu vì trồng lúa bấp bênh. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, sản phẩm có đầu ra ổn định, bình quân mỗi năm tôi thu về 30 - 35 triệu đồng lợi nhuận, cao gấp 3-5 lần trồng lúa”.
Theo ông Cường, để có được thành công hiện tại, ông cùng nhiều hộ trồng rau địa phương tham gia mô hình trồng rau hữu cơ, VietGAP của HTX rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên.
Vào HTX, các thành viên được hướng dẫn quy trình trồng rau thân thiện môi trường, đảm bảo không dùng thuốc trừ cỏ, hóa chất độc hại, sử dụng phân bón hữu cơ, từ đó tạo ra những sản phẩm sạch, được lòng người tiêu dùng.
“Việc loại bỏ hóa chất chất, ưu tiên hợp chất vi sinh không chỉ giúp vườn rau nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe người sản xuất”, ông Cường phấn khởi nói.
Theo ông Nguyễn Việt Thịnh, Giám đốc HTX Khôi Nguyên, bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm tốt, HTX còn ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để đảm bảo thị trường tiêu thụ cho người dân.
Hiện, giá bán trung bình các loại rau của thành viên HTX đạt trên 15.000 đồng/kg, bài toán “được mùa dội chợ” cũng được giải quyết. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 500 – 800 kg rau sạch các loại (đã qua lựa chọn, sơ chế, đóng gói).
Hướng tới phát triển bền vững
Tương tự như ở Lạc Tấn, mô hình trồng rau cũng đang cho hiệu quả cao trên địa bàn xã Bình Lãng. Giá trị sản xuất rau đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Tân Trụ dự kiến thêm nguồn hỗ trợ mở rộng trồng rau theo hướng hữu cơ (Ảnh TL). |
Ông Trần Văn Bạn, xã Bình Lãng, cho hay vào năm 2016, sau nhiều năm chật vật với đủ loại cây trồng, thường xuyên bị thương lái ép giá, gia đình ông chuyển đổi hơn 4.000 m2 đất sang trồng rau màu.
Để đảm bảo hiệu quả, ông Bé chủ động tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, nắm chắc quy trình sản xuất VietGAP, để làm ra những sản phẩm rau sạch, đảm bảo đầu ra.
Nhờ sản xuất sạch, sản phẩm rau của gia đình ông Bé đang được HTX Khôi Nguyên hỗ trợ tiêu thụ, đảm bảo thu nhập ổn định.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ, nhờ những chuyển biến trong phương thức sản xuất, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, mô hình trồng rau đang cho hiệu quả cao, mở ra hướng đi nhiều tiềm năng cho người nông dân địa phương.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong việc mở rộng các mô hình sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, thân thiện môi trường, đảm bảo hiệu quả bền vững cho người dân.
Nhật Minh