Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa, ngoài sự năng động và tư duy dám đầu tư của chính người sản xuất, các mô hình nhà lưới được xây dựng ngày càng nhiều còn do được kích cầu từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và cơ chế riêng của các địa phương cấp huyện.
Phát huy tiềm năng sẵn có
Đáng kể nhất là Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trong đó có việc hỗ trợ phát triển nhà lưới cho sản xuất nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa giúp tỉnh Thanh Hóa phát huy tiềm năng sản xuất nông nghiệp địa phương. |
Chính sự đồng hành của địa phương là cơ sở để các mô hình canh tác trong nhà lưới ngày càng mở rộng. Điển hình, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tập trung hỗ trợ người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao.
Để người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn sinh thái, huyện đã chủ động mở các lớp tập huấn kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, mời các chuyên gia về để hỗ trợ người dân, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, thân thiện môi trường.
Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha trên địa bàn xã Minh Sơn là một ví dụ điển hình. Mô hình này do HTX Nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn đứng lên dẫn dắt người dân. HTX đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra.
Nhờ sản xuất công nghệ cao, giống dưa vàng của HTX đã phát huy giá trị về kinh tế. Với sản lượng khoảng 6,5 tấn/vụ, giá bán tại ruộng là 40.000 đồng/kg có thể mang về lợi nhuận cho HTX ít nhất là 100 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, trồng dưa trong nhà lưới có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm.
Anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc HTX Minh Sơn cho biết, bên cạnh lợi ích kinh tế, sản xuất khoa học giúp HTX bảo vệ môi trường, giảm hơn 70% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được HTX tuyển chọn kỹ, nằm trong danh mục an toàn, thân thiện môi trường, đồng thời việc sử dụng tuân theo nguyên tắc 4 đúng, gồm đúng loại, đúng liều, đúng cách và đúng thời gian.
Hoạt động hiệu quả, HTX đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên và nhiều lao động ở địa phương. Người lao động cũng được làm việc trong môi trường an toàn, bảo đảm sức khỏe.
Bên cạnh mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của HTX Minh Sơn, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc cũng đang có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được các HTX, doanh nghiệp đầu tư.
Điển hình như mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu ở xã Lam Sơn; mô hình nông nghiệp công nghệ cao của HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Thúy Sơn, Ngọc Sơn…
Điểm tựa xây dựng thương hiệu
Cùng với Ngọc Lặc, tại các địa phương khác như Yên Định, Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa…, phong trào xây dựng nhà lưới trong sản xuất đang phát triển mạnh mẽ.
Đơn cử như huyện Thiệu Hóa đang hình thành hàng loạt mô hình trồng trọt công nghệ cao, đặc biệt là đóng góp ngày càng quan trọng của các HTX. Trong đó, nổi bật nhất là HTX dịch vụ nông nghiệp Vạn Hà, xã Vạn Hà.
Cần thêm điểm tựa về chính sách, vốn, nhân lực để các HTX, nông dân xứ Thanh "lên đời" với nông nghiệp sạch. |
Để tìm hướng đi mới cho thành viên, Ban giám đốc HTX Vạn Hà đã lựa chọn phát triển mô hình trồng rau VietGAP, có ứng dụng một phần công nghệ cao, cho hiệu quả vượt trội tại địa phương.
HTX đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp đặt hệ thống nhà màng hiện đại, phục vụ sản xuất rau, củ, quả sạch trên diện tích 1.400 m2, chủ yếu trồng dưa Kim Hoàng hậu, ngoài ra còn trồng cà chua và một số loại rau ăn lá.
Việc sản xuất trong nhà màng giúp các thành viên giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết, có thể triển khai trồng trọt quanh năm, hạn chế sự xâm nhập của côn trùng gây hại, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Không chỉ có hệ thống nhà màng, HTX còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đảm bảo lượng nước tưới đúng và đủ cho cây sinh trưởng, phát triển, tránh lãng phí, đồng thời giảm thiểu công lao động, nâng cao sức khỏe con người.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, HTX đã kết hợp cùng địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai thu gom rác thải nông nghiệp đến với thành viên và người dân thông qua các hoạt động: trang bị thùng đựng rác, bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, ý thức của thành viên đã từng bước được nâng cao.
Có thể thấy, sự nỗ lực của các chủ thể mô hình cùng các chính sách đồng hành từ địa phương đang giúp diện mạo ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa có những thay đổi rõ nét. Các mô hình trồng trọt công nghệ cao, nhà màng, nhà lưới được mở rộng, gia tăng giá trị cho người dân.
Thời gian tới, tỉnh dự kiến tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất thâm canh và các mô hình sản xuất hiệu quả, như cây dược liệu (nghệ, cà gai leo), cây sắn dây, cây dứa... ở những nơi có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng.
Đồng thời, tỉnh khuyến khích người dân, HTX tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao, từ đó hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Lệ Chi