Từ chỗ chỉ hơn 1.000 con với vài hộ nuôi vào những năm 2008, đến nay trên địa bàn ấp Đồng Chèo đã có gần 20 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, với tổng số hơn 20.000 con. Nhờ chăn nuôi khoa học, thân thiện môi trường, Đồng Chèo là điểm sáng về chăn nuôi của xã, huyện.
Chăn nuôi khoa học
Năm 2016, sau hơn 2 năm phát triển mô hình nuôi lợn, anh Phan Tiến Quốc quyết định tham gia vào tổ hợp tác chăn nuôi hữu cơ Đồng Chèo, và nhanh chóng có được những thành công tích cực.
Chăn nuôi khoa học mang lại hiệu quả cao hơn (Ảnh TL). |
Anh Quốc cho biết tham gia vào tổ hợp tác, gia đình anh được tập huấn kỹ thuật để nâng cấp khu trang trại, nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Với sự đồng hành của tổ hợp tác, anh Quốc mạnh dạn nâng tổng đàn từ gần 100 con lên hơn 300 con lợn thịt và 30 con lợn nái. Nhờ ứng dụng hiệu quả kỹ thuật mới vào chăn nuôi, bình quân mỗi năm anh thu về trên 200 triệu đồng lợi nhuận.
Theo anh Quốc, việc vào tổ hợp tác để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học chính là bước ngoặt thay đổi đời sống của gia đình anh cùng hàng chục hộ chăn nuôi tại địa phương. Mô hình này không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Điển hình, để chủ động phòng ngừa các loại bệnh lợn hay mắc phải, nhất là bệnh tai xanh và lở mồm long móng, các hộ được hướng dẫn thường xuyên vệ sinh khu chăn nuôi sạch sẽ, khử trùng nghiêm ngặt phương tiện ra vào chuồng trại, định kỳ tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn.
Nguyên liệu thức ăn cho lợn là những sản phẩm hữu cơ như cám gạo, ngô, đỗ tương… hoàn toàn không có hóa chất độc hại. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi ở Đồng Chèo tuyệt đối không sử dụng hoóc môn tăng trưởng, chất tạo nạc, thực phẩm biến đổi gen và không sử dụng kháng sinh.
Hầu hết các khu chăn nuôi ở Đồng Chèo hiện đang ứng dụng công nghệ xử lý chất thải bằng hầm biogas, qua đó vừa tạo nguồn khí đốt, vừa giảm thiểu ô nhiễm, mang lại nguồn phân hữu cơ thân thiện môi trường.
Hướng đến chuỗi giá trị
Theo đại diện UBND xã Lai Uyên, những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Bàu Bàng và xã có chủ trương quy hoạch ấp Đồng Chèo thành khu chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện cho người chăn nuôi lợn đầu tư phát triển sản xuất.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi sẽ được địa phương chú trọng (Ảnh TL). |
Theo đó, các hộ được hỗ trợ cải tạo, xây mới các khu chăn nuôi, với đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại như quạt thông gió, máy khử mùi hôi, máy phân phối thức ăn, hệ thống uống nước tự động…
Các hộ chăn nuôi cũng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn chăn nuôi an toàn sinh học, nắm vững quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, xử lý chất thải đúng cách.
Đặc biệt, không chỉ chăn nuôi theo quy mô gia đình, sự hình thành của các tổ hợp tác, các nhóm chăn nuôi đang giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn ấp Đồng Chèo nâng cao nội lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các đối tác lớn là doanh nghiệp, công ty thực phẩm sạch.
Năm 2020, nhờ những tiến bộ trong chăn nuôi, cùng sự thuận lợi trong tiêu thụ, lợi nhuận của các mô hình nuôi lợn ở Đồng Chèo đạt mức kỷ lục. Bình quân một trang trại quy mô 100 con/lứa cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.
Trong những năm tới, để tiếp tục phát huy giá trị của mô hình, xã Lai Uyên đang hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị cho mô hình chăn nuôi lợn tại ấp Đồng Chèo, tích cực xây dựng, nâng tầm thương hiệu lợn hữu cơ Đồng Chèo.
Hưng Nguyên