Tại huyện Kiến Xương, các hình thức liên kết để tích tụ ruộng đất với diện tích lớn đã xuất hiện phổ biến từ năm 2015. Đến nay, toàn huyện có trên 400 ha được tích tụ với quy mô từ 2ha trở lên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu.
Hoàn thiện quy trình canh tác
Hoạt động trên quy mô lớn, HTX Bình Định đang trở thành nhân tố tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại trên địa bàn huyện Kiến Xương.
HTX Bình Định đang là lá cờ đầu trong phát triển sản xuất theo chuỗi. |
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX Bình Định, cho biết hiện tại, HTX đang hoạt động 12 khâu dịch vụ sản xuất, kinh doanh, điển hình như dịch vụ thủy nông, khoa học - kỹ thuật, bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, chăn nuôi, sấy khô sản phẩm nông nghiệp, môi trường, tiêu thụ nông sản…
Để phục vụ sản xuất, kinh doanh, HTX đã xây dựng nhà kho với diện tích sử dụng là 216m2, một lò sấy khô sản phẩm nông nghiệp với công suất 25 tấn/lượt.
Ngoài ra, HTX còn có nhà xưởng phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với công suất 3 tấn/giờ, nhà cung ứng vật tư nông nghiệp, xe ô tô tải, 2 máy cấy, máy gieo hạt tự động, máy nghiền đất, máy trộn giá thể và 5.500 khay gieo mạ.
Trong quá trình phát triển sản xuất, cán bộ HTX luôn bám sát các hộ thành viên để kịp thời hỗ trợ, đưa ra những điều chỉnh về mặt kỹ thuật.
Cũng theo ông Sơn, sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, để bảo đảm sản xuất hiệu quả, HTX đã tổ chức cung ứng giống lúa, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và nông dân bằng các hình thức trả chậm, nhiều ưu đãi, đồng thời mở thêm 3 điểm bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã.
Liên kết làm giàu bền vững
Xác định liên kết sản xuất và phát triển nông sản sạch là “chìa khóa” thành công của HTX, những năm qua, HTX đã liên kết với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra cơ hội thoát nghèo, làm giàu cho thành viên.
Giám đốc Trần Thanh Sơn cho hay, hiện tại HTX đang liên kết với 3 doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 10 năm qua HTX đã bao tiêu được trên 10.000 tấn thóc cho nông dân.
HTX đang trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên. |
Nhờ làm tốt khâu liên kết, trung bình tổng sản phẩm tiêu thụ của HTX cho nông dân trong nhiều năm qua luôn đạt trên 2.100 tấn/năm, tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân hơn 1,3 lần so với trước đây.
HTX cũng đang phát triển tốt dịch vụ bao tiêu sản phẩm, giúp tăng giá trị lợi nhuận cho thành viên trong năm từ 2 - 2,5 tỷ đồng. 100% thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, trên 30% thuộc diện khá giả, có của ăn của để.
Anh Phùng Thanh Tùng – thành viên liên kết của HTX, chia sẻ khi tham gia HTX, nông dân được mua vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo phương thức trả chậm, giá cả hợp lý giúp chi phí đầu vào giảm 15 – 30%.
“Sau thu hoạch, sản phẩm được bao tiêu với giá cao, thời điểm thấp nhất cũng ngang bằng với giá thị trường. Nhờ sự hỗ trợ của HTX, gia đình tôi từ hộ có nhiều khó khăn nay đã vươn lên khá giả, thu nhập hàng năm đạt trên 100 triệu đồng”, anh Tùng phấn khởi nói
Đến nay, HTX đang duy trì sản xuất ở 5 vùng cánh đồng mẫu lớn với trên 200ha. Dịch vụ làm đất, máy gặt đã thu hút được 72 máy.
Cùng với sự đồng hành của HTX, từ 15 ha ban đầu, đến nay xã Bình Định đã phát triển thành công 6 vùng cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích gần 300 ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia sản xuất. Nhờ sản xuất khoa học, các vùng sản xuất đang cho hiệu quả kinh tế ổn định và dự kiến sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Hưng Nguyên