Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng 300.000ha diện tích canh tác, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục xác định các nhóm giải pháp trọng tâm chuyển giao khoa học công nghệ gắn với mở rộng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
HTX của 7 trí thức phố núi
Một trong những điển hình về ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ internet vạn vật kết nối (IoT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay là HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thủy canh Việt, do 7 nông dân trẻ đều là trí thức Đà Lạt sáng lập, tổ chức hoạt động hết sức có hiệu quả gần 4 năm qua.
Ứng dụng công nghệ IoT nhằm giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất (Ảnh: TL) |
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nguyễn Đức Huy cho biết HTX thành lập vào 12/2016, với cơ chế hoạt động là mỗi thành viên chủ động diện tích canh tác, những thành viên có trình độ khoa học, giỏi chuyên môn về trồng trọt hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trồng, chăm sóc rau, quả bằng công nghệ thủy canh và hỗ trợ nhau về đầu ra của sản phẩm…
Ban đầu, diện tích canh tác của 7 thành viên chỉ có 10.000m2, đến nay nâng lên 30.000m2 nhà màng công nghệ cao chuyên trồng các loại rau, củ, quả cao cấp như: bắp cải, súp lơ, ớt ngọt, cà rốt, cà chua, dưa lưới, dưa leo, gừng…
Cả 7 thành viên của HTX Thủy canh Việt đều có trình độ cử nhân, thạc sĩ và tuổi đời 35 - 36 nên khá năng động, nhạy bén, sáng tạo và quyết đoán trong phương thức sản xuất, kinh doanh. Ngoài hỗ trợ làm nhà màng công nghệ cao, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng theo công nghệ thủy canh, các thành viên đã áp dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, tiếp cận nền nông nghiệp hiện đại.
Đặc biệt, anh Huy và các cộng sự đã nghiên cứu, xây dựng một hệ thống điều khiển tưới tự động hoàn toàn qua nền tảng IoT. Hệ thống tự động thu thập các dữ liệu về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng, lượng mưa…), kết hợp nguồn dữ liệu về sinh học của cây trồng (đường kính thân cây, diện tích lá…) để máy tự đưa ra quyết định về lượng phân bón, chế độ tưới phù hợp. Ngoài ra, hệ thống có thể dự đoán được tỷ lệ xuất hiện nấm bệnh, phát cảnh báo để có biện pháp kịp thời phòng trừ bằng chế phẩm sinh học an toàn. Hệ thống được điều khiển thông qua điện thoại thông minh (smartphone) từ xa…
Với sự thành công sáng tạo và áp dụng hiệu quả hệ thống này, năm 2018, HTX Thủy canh Việt đã được Công ty tư vấn Bain & Companny của Mỹ vinh danh về tính tích hợp công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp của khu vực Đông Nam Á.
Theo tính toán, cứ 1.000m2 sản xuất trong nhà màng công nghệ cao mang lại lợi nhuận 10 triệu đồng/tháng. Nếu một thành viên của HTX có diện tích canh tác 10.000m2, mỗi tháng thu nhập khoảng 100 triệu đồng; mỗi năm tích lũy trên 1 tỷ đồng. Riêng Chủ tịch - Giám đốc Nguyễn Đức Huy với 1,6 ha trang trại trồng các loại rau, củ, quả ngoại nhập công nghệ thủy canh, mỗi năm trừ chi phí thu nhập từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Anh Huy cho biết, dù mới qua hơn 3 năm hoạt động, song uy tín của HTX được nông dân và HTX ở nhiều địa phương ở Lâm Đồng và các tỉnh bạn biết đến. Để mở rộng thị phần và chia sẻ công nghệ hỗ trợ nông dân sản xuất, ngoài duy trì hoạt động của HTX tại Đà Lạt, HTX Thủy canh Việt hiện đã ký kết hợp tác với các HTX nông nghiệp tại xã Ka Đô (huyện Đơn Dương) tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc rau, quả, bao tiêu sản phẩm với quy mô 10.000m2. Tại tỉnh Đắk Nông và Đăk Lăk, liên kết 4 hộ dân (diện tích 10.000m2) hỗ trợ công nghệ trồng dưa lưới, dưa leo cà chua, ớt ngọt công nghệ thủy canh đã giúp nhiều hộ nông dân có mức thu nhập cao và ổn định…
“HTX Thủy canh Việt ngoài mang lại giá trị kinh tế cho các thành viên và nông dân, còn tạo ra giá trị xã hội. Đó là việc HTX đã chia sẻ công nghệ, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân trong và ngoài tỉnh để làm kinh tế hợp tác theo hướng nông nghiệp hiện đại…”, anh Huy nói.
Sản xuất hiện đại để tăng hiệu quả
Kế hoạch 5 năm tới, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt tỷ lệ 25% (75.000ha) diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao, tăng khoảng 15.000ha so với thời điểm đầu tháng 6/2020. Trong 75.000ha ứng dụng công nghệ cao sẽ có ít nhất 10.000ha ứng dụng công nghệ thông minh, 1.600ha được cấp chứng nhận hữu cơ.
Trong 5 năm tới, Lâm Đồng phấn đấu đạt tỷ lệ 25% (75.000ha) diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao, tăng khoảng 15.000ha so với thời điểm đầu tháng 6/2020 (Ảnh: TL) |
Việc chuyển giao không chỉ với quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, mà còn tập trung các loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, gắn với mở rộng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình đầu tư, ứng dụng các giải pháp khoa học đã chuyển giao để tổ chức quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết ổn định và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường, trong nước và xuất khẩu.
Trên vùng nông nghiệp Lâm Đồng hiện đã có gần 200 doanh nghiệp, HTX, trang trại và 16.600 hộ nông dân tham gia 165 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ khoảng 850.000 tấn nông sản mỗi năm. Với mục tiêu khuyến khích đầu tư trong 5 năm tới, mỗi năm ngành nông nghiệp Lâm Đồng đề ra các tỷ lệ tăng tương ứng về phát triển chuỗi liên kết gồm: 10% số chuỗi, 20% diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia… từ đó nâng lên 50% tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng.
Với nhóm giải pháp chuyển giao và liên kết này, ngành nông nghiệp Lâm Đồng kỳ vọng sớm đạt giá trị sản phẩm trung bình 220 triệu đồng/ha/năm, tăng thêm 35 triệu đồng/ha/năm so với hiện nay.
Trong số kinh phí gần 7 tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh năm 2020, hơn 4,6 tỷ đồng được dành để xây dựng 13 mô hình; trong đó 2 mô hình hiện đại hóa vườn sản xuất cây giống rau, hoa; 2 mô hình ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, hoa; 7 mô hình phát triển công nghệ IoT trong quản lý nước tưới và dinh dưỡng cho cây trồng; 2 mô hình ứng dụng pin năng lượng mặt trời trong sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản. Đồng thời, gần 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi khí hậu; xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sương muối; xây dựng trạm giám sát côn trùng thông minh. Khoảng 400 triệu đồng còn lại dành cho việc chi phí tập huấn chuyển giao công nghệ IoT, đánh giá, thẩm định, tổ chức hợp tác liên kết...
Đức Nguyễn