Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh, diện tích đất sản xuất liên tục bị thu hẹp, lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn thành phố Vị Thanh vẫn khẳng định được giá trị dựa trên những thế mạnh sẵn có. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân địa phương đã chủ động giảm diện tích mía để chuyển sang trồng cây ăn quả, dứa (khóm), ngô (bắp)…
Chuyển đổi để tăng giá trị
Hỏa Tiến đang là một trong những xã điểm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Nhận thấy hiệu quả của cây mía ngày càng xuống thấp, xã đã triển khai nhiều gói giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, trong đó dứa là cây chủ lực.
Nhiều nông dân ở Vị Thanh đang tích cực chuyển đổi sang trồng dứa VietGAP cho giá trị cao (Ảnh TL). |
Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã Hỏa Tiến đã chuyển đổi thành công trên 50 ha trồng mía sang trồng dứa, còn trên 60 ha diện tích mía kém hiệu quả cũng đang được đưa vào tầm ngắm chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chất lượng cao.
Ông Vu Sủi, Giám đốc HTX Thạnh Thắng, đơn vị đầu tàu trong sản xuất và chế biến khóm ở Hỏa Tiến, cho hay nhờ những công dụng tuyệt vời, cây khóm có thị trường rộng lớn, đã và đang trở thành cây thoát nghèo, làm giàu của người dân địa phương.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, thành viên HTX cùng nhiều hộ nông dân liên kết được tham gia dự án trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.
Điển hình, trong quá trình sản xuất, các hộ được tập huấn kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất sạch, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh, góp phần nâng cao hiệu quả, ngăn thoái hóa, xói mòn đất, giảm thiểu ô nhiễm.
Các hộ trồng khóm cũng được hướng dẫn sử dụng các loại thiên địch để diệt các loại côn trùng gây hại. Các loại bao bì ni lông, chai lọ nhựa được thu gom tập trung, xử lý đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, cây khóm trên địa bàn xã Hỏa Tiến hiện đạt năng suất bình quân 15 - 20 tấn/ha/năm, doanh thu trung bình đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Với thành công đang có, xã dự kiến sẽ quy hoạch lại các vùng sản xuất khóm theo hướng hàng hóa, thúc đẩy chuyển giao khoa học – kỹ thuật để nâng cao trình độ của người sản xuất, định hướng canh tác theo chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, đảm bảo giá trị bền vững.
Chuyển hướng từ lượng sang chất
Tương tự như ở Hỏa Tiến, xã Hỏa Lựu những năm qua cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo xu thế mới. Trong 3 năm qua, xã đã chuyển đổi thành công hàng trăm ha mía kém hiệu quả sang trồng ngô, lúa và rau màu VietGAP… đảm bảo giá trị kinh tế bình quân đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Vị Thanh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại (Ảnh TL). |
Đại diện UBND xã Hỏa Lựu cho biết quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã đang cho kết quả tích cực, tuy nhiên trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, đầu ra và giá thành của sản phẩm nông sản địa phương có phần bị ảnh hưởng.
Do đó, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, phối hợp với các HTX, công ty để mở rộng đầu ra, ổn định giá bán cho nông sản, đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho biết trong những năm qua, để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, thành phố đã và đang tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn, trong đó trọng điểm là chuyển đổi từ trồng mía sang trồng bắp, cây ăn trái.
Đơn cử, năm 2020, thành phố đã triển khai dự án trồng chanh không hạt có diện tích trên 5,3 ha ở xã Tân Tiến và Vị Tân, đến nay đang phát triển ổn định. Sắp tới, thành phố tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên diện tích đất kém hiệu quả, đồng thời tích cực kết nối các đơn vị sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp để khơi thông thị trường tiêu thụ cho người dân.
Bên cạnh việc tìm đầu ra nông sản, việc hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân cũng được thành phố đặc biệt chú trọng để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển bền vững.
Theo đó, thời gian tới, nông dân trên địa bàn sẽ tiếp tục được tập huấn về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất. Công tác dự báo thời tiết, cảnh báo những loại sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng sẽ được đẩy mạnh nhằm giúp nông dân phòng, trị hiệu quả…
Hưng Nguyên