Tận dụng thế mạnh và tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, HTX nông nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai hiệu quả mô hình nuôi cá lồng trên sông, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Nuôi cá sạch theo quy chuẩn
Theo Giám đốc Vũ Văn Chiến, HTX nông nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng hiện đang có hơn 350 lồng cá chuyên cung cấp cá giống, cá thành phẩm bảo đảm sạch theo quy chuẩn.
Để hoạt động đạt hiệu quả cao, ngay khi thành lập, HTX đề ra nguyên tắc 5 tự gồm “tự nguyện, tự chủ, tự giác, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và 5 cùng “cùng mối quan tâm, cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ, cùng chia sẻ trách nhiệm và cùng có lợi”. Với những nguyên tắc phù hợp, thiết thực, HTX từng bước trở thành cầu nối hỗ trợ thành viên trong sản xuất, khuyến khích, vận động người dân nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi.
Nuôi trồng thủy sản góp phần tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân tại nhiều địa phương. |
Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường từ 800-1000 tấn cá các loại. Trong đó, cá chép giòn khoảng 300 tấn, cá diêu hồng 200 tấn, cá lăng đen 200 tấn, cá ngạnh 40 tấn, và một số chủng loại khác như cá tầm, cá trắm đen khoảng 100 tấn.
HTX đảm bảo việc làm ổn định cho 45 lao động thường xuyên với mức thu nhập 150 triệu đồng/người/năm. Nhờ sự hợp tác kinh tế hiệu quả, nên hầu hết các hộ trong HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng có doanh thu bình quân hơn 400-500 triệu đồng/năm, có những hộ đạt 600-800 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Công Chính, thành viên HTX chia sẻ, từ 10 lồng cá ban đầu, đến nay, anh đã phát triển lên 18 lồng cho thu nhập ổn định. Với giá ổn định từ 40.000 đồng/kg cá rô, 45.000 đồng/kg cá chép, mỗi năm sau khi trừ chi phí từ giống, thức ăn, anh thu về khoảng 100 - 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Chính còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng cho người dân trong xã.
Doanh thu trên 30 tỷ đồng/năm từ nuôi cá
Tại huyện Than Uyên, Lai Châu, trên thuỷ điện Huội Quảng có trang trại nuôi cá của HTX Nông Công nghiệp và Thương mại Du lịch Than Uyên (HTX Than Uyên).
Giám đốc Lê Tuấn Anh cho biết, HTX hiện đang nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Bản Chát, Huội Quảng với diện tích khoảng 10.000m2, cho sản lượng khoảng 800 tấn/năm. HTX tập trung nuôi trồng các loại cá chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế như cá tầm, cá hồi, cá lăng, thực hiện liên kết sản xuất với 35 hộ dân, nuôi 125 lồng cá. Điều đặc biệt là HTX Than Uyên không chỉ nuôi cá mà còn tổ chức chế biến sản phẩm, tạo thương hiệu sản phẩm và liên kết phân phối sản phẩm, tạo thành một vòng tròn khép kín.
Hiện tại, HTX có hơn 30 loại sản phẩm chế biến từ cá: chả cá, xúc xích, viên cá, nước lẩu,… trong đó có một số sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao như ruốc cá lăng, chả cá lăng viên. Từ khi có nhãn hiệu, các sản phẩm của HTX được phân phối bằng rất nhiều kênh: Tại các cửa hàng, siêu thị của địa phương, trên mạng xã hội, kênh thông tin truyền thông, hội chợ, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee food, Grabfood, đặc biệt là phân phối tại hệ thống siêu thị lớn trong 4 năm qua như: Big C, Metro, Winmart, AEON, Coopmart…
Từ phát triển nghề nuôi cá trên lòng hồ thủy điện, HTX Than Uyên đã tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động thuộc các khâu: nuôi cá; sơ chế, chế biến cá tại xưởng; kinh doanh và hậu cần với thu nhập bình quân đạt mức 11,5 triệu đồng/người/tháng.
Các HTX đã nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao đời sống người dân. |
Giám đốc Lê Tuấn Anh thông tin: "Thời gian tới, HTX sẽ phấn đấu tiếp tục nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và thị phần kinh doanh, hướng tới xây dựng sản xuất kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, HTX đang có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái lòng hồ gắn với bản sắc văn hoá dân tộc Thái để vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa phát huy được tiềm năng, lợi thế nơi đây".
Kinh tế thủy sản thúc đẩy kinh tế nông thôn
Có thể thấy, bằng các chính sách quan tâm của Nhà nước, thông qua các cơ quan chức năng, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của các HTX, nghề nuôi cá thương phẩm đã phát huy cao hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương.
Các HTX đang có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương. Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng để khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến, tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX thủy sản nói riêng phát triển.
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong lĩnh vực thủy sản, nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
“Đặc biệt, các mô hình HTX nuôi trồng thủy sản cần ứng dụng theo quy trình VietGAP, nhằm mang lại lợi ích cao về kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân tại nhiều địa phương”, ông Cẩn lưu ý.
Đoàn Huyền