Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Bình Dương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 0,3% mỗi năm và đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn dưới 1%.
Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương thực hiện nhiều chính sách góp phần giảm nghèo bền vững, trong đó có việc chú trọng phát triển các mô hình HTX để giúp người dân liên kết phát triển sản xuất theo quy mô lớn.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết nhờ đẩy mạnh thực hiện tốt nông thôn mới, trong đó có tiêu chí phát triển mô hình HTX kiểu mới nên tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từng bước xuống thấp và hiện không còn. Điều này là nhờ tỉnh đã coi trọng phát triển nông nghiệp, trong đó lấy HTX làm nòng cốt thúc đẩy loại hình kinh tế này.
Tại Huyện Phú Giáo từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao như dưa lưới, cam, bưởi, chanh không hạt... Tận dụng thế mạnh, trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp bền vững, từ cung ứng cây con giống, vật tư nông nghiệp cho người dân đến bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nhờ đó, hoạt động của các HTX đóng góp tích cực cho việc thực hiện tiêu chí giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa) đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục thành viên. |
Trên địa bàn huyện hiện có một số HTX điển hình tiên tiến luôn nỗ lực hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, như: HTX Nông nghiệp Phước Thành (thị trấn Phước Vĩnh); HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa); HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bông Trang (xã Phước Hòa); HTX Nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang); HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình); HTX Chăn nuôi dê An Linh (xã An Linh)... Một số HTX chú trọng xây dựng sản phẩm theo Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tạo động lực cho người dân thi đua phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Phú Giáo, huyện khuyến khích HTX phát triển theo hướng an toàn, gắn với áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất cũng như phát triển các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển; hỗ trợ giao lưu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh công bằng và hợp tác lâu dài, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm kinh tế HTX, THT tại các hội chợ, triển lãm.
“Mô hình HTX đã thể hiện được vai trò “hạt nhân” trong việc thúc đẩy liên kết, sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và nông dân. Chính vì vậy, huyện luôn chú trọng phát triển mô hình kinh tế này”, ông Long cho hay.
Kinh tế 'phất lên' từ liên kết trồng dưa lưới
Tiêu biểu là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) hiện nay có 45 thành viên và 30 lao động với sản phẩm chủ lực là dưa lưới đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX, cho biết: Từ trồng thành công mô hình dưa lưới cho năng suất và giá trị kinh tế cao, HTX khuyến khích bà con trong vùng trồng dưa lưới theo của mô hình của HTX và bao tiêu sản phẩm.
Từ 7 thành viên, với diện tích 2ha ban đầu, đến nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long có 73 thành viên, diện tích 20ha. Không chỉ ở Bình Dương, HTX còn liên kết với một số nông dân ở các tỉnh khác như Bình Phước, An Giang, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sản phẩm dưa lưới được sản xuất trong nhà kính tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình, huyện Phú Giáo. |
Từ năm 2020 đến nay, dưa lưới của HTX đạt sản lượng trung bình khoảng 1.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 45 tỷ đồng/năm. Dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long đang phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trong Nam cũng như ngoài Bắc. Mỗi năm, HTX đạt doanh thu 45 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Dũng ở ấp Cà Na tham gia HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long từ năm 2016. Ban đầu, ông trồng dưa lưới trên diện tích 2.000m².
Được HTX tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đến nay, ông Dũng mở rộng diện tích lên 7.000m², đồng thời ông Dũng đang làm kỹ thuật viên, phụ trách việc hướng dẫn kỹ thuật lại cho các thành viên khác trong HTX.
Liên kết sản xuất nhiều năm qua, HTX giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định. Ông Dũng cho biết, mỗi năm gia đình ông đạt doanh thu từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lời từ 700-800 triệu đồng.
Mặc dù trồng dưa lưới mang lại giá trị kinh tế cao cho các thành viên, song HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long cũng không mở rộng diện tích vượt quá khả năng kiểm soát. Thay vào đó, HTX cập nhật kiến thức tốt nhất và đảm bảo quyền lợi chung cho mọi thành viên", ông Quyết nói.
“Sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận GlobalGAP và tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là cơ sở để HTX tiếp tục kết nối lại với thị trường xuất khẩu sau gián đoạn do đại dịch Covid-19. Việc này sẽ mang lại giá trị và lợi ích cao hơn cho thành viên, và sự phát triển bền vững cho HTX”, ông Quyết cho hay.
Hướng đến sự phát triển bền vững, đa dạng
Mặc dù, so với cả nước số lượng HTX của tỉnh Bình Dương còn ít nhưng hoạt động hiệu quả; doanh thu và lãi hằng năm đạt cao; mang lại thu nhập ổn định cho người lao động, giúp xoá đói giảm nghèo hiệu quả. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 231 HTX với 47.628 thành viên, vốn điều lệ trên 865 tỷ đồng; 222 Tổ hợp tác (THT) với 2.062 thành viên, vốn hoạt động gần 48 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 5,6 tỷ/năm; lãi bình quân của một HTX đạt khoảng 1,125 tỷ/năm; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX 90 triệu đồng/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu ước đạt 777 tỷ 233 triệu đồng, đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2023, tăng 5,22% so với cùng kỳ.
Theo Liên minh HTX tỉnh, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế HTX năng động, hiệu quả nhiều nhóm giải pháp đã được đặt ra. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của HTX, Quỹ tín dụng nhân dân, thành viên về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của tỉnh; huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất là nhiệm vụ vô cùng thiết yếu...
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện tốt kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục nghề cho cán bộ, thành viên HTX, thu hút cán bộ về công tác tại các HTX là một trong những biện pháp không kém phần quan trọng. Song song đó, Liên minh HTX tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điểm, lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao...
Để tiếp tục phát triển khu vực KTTT, HTX trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương đề xuất, kiến nghị với Đoàn kiểm tra một số nội dung: Luật HTX (sửa đổi, bổ sung) năm 2023 đã được Quốc hội thông qua, sau khi có hiệu thi hành (01/7/2024) đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn, Bộ ngành ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có sự thống nhất về việc hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX. Ngoài 5 nội dung chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương đề xuất bổ sung 02 nội dung về chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách Bảo hiểm xã hội.
Hoàng Hà